Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ
Việt Nam rất coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ và đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích cân bằng với cả hai bên.
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã thông tin như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 17/12, trả lời câu hỏi của báo giới về thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.
"Trong 25 năm qua, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư" - bà Hằng nhấn mạnh.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ, thực hiện nghiêm túc các cam kết thương mại cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương khác.
"Việt Nam cũng duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với Mỹ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên" - Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời Reuters về việc có thông tin khi Việt Nam bị vào nhóm thao túng tiền tệ, sẽ có một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế 25%, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam rất coi trọng quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ và đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích cân bằng với cả hai bên".
"Khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quan hệ hai nước, chúng tôi đều có trao đổi, tiếp xúc với phía Mỹ trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở nhằm tháo gỡ các vấn đề này. Chúng tôi luôn mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ và phù hợp với lợi ích của hai bên" - bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.
Ngày 16.12, Bộ Tài chính Mỹ đưa Thụy Sĩ và Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ nói rằng, trong khoảng thời gian tính tới tháng 6.2020, Thụy Sĩ và Việt Nam đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán. Thêm vào đó, trong báo cáo thao túng tiền tệ định kỳ 6 tháng, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Việt Nam đã hành động để đạt được "lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế".
Theo Reuters, để bị Mỹ gán nhãn là thao túng, các quốc gia ít nhất phải có thặng dư thương mại song phương với Mỹ hơn 20 tỉ USD, can thiệp thị trường ngoại hối vượt quá 2% GDP và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.
Cũng trong ngày 16.12, Bộ Tài chính Mỹ cũng bổ sung 3 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách giám sát vì nghi phá giá đồng nội tệ, gồm Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Ấn Độ. Với sự bổ sung này, danh sách Mỹ theo dõi đã lên tới 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nước còn lại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italia, Singapore và Malaysia.
P. ThuỷTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.