Bộ NN&PTNT: Rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19
Trước diến biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.
Theo đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường ở cả trong nước và nước ngoài, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Đã có hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, nhất là ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Nhằm chia sẻ với những khó khăn của các địa phương đang gặp phải trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo duy trì sản xuất trong mọi điều kiện, ổn định đời sống bà con nhân dân, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 4906/BNN-VP đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trực thuộc thực hiện các nội dung, cụ thể:
Đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch (cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm sản). Xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh. Sẵn sàng huy động lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển… nông sản giúp nông dân, đảm bảo nông sản được thu hoạch kịp thời, không ứ đọng.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương thành lập các Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và có phương án phòng, trừ kịp thời.
Rà soát, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho mùa vụ sản xuất tiếp theo, như: Nhu cầu giống cây trồng vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư đầu vào,…; khả năng cung ứng. Dự kiến những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, hoạt động các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản… vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân kể cả trước mắt và lâu dài. Trường hợp các đơn vị trên phải yêu cầu dừng hoạt động, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan hướng dẫn cụ thể để các đơn vị tuân thủ thực hiện và sớm hoạt động trở lại.
Chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản, như: Các tổ thu hoạch nông lâm thủy sản, nhân lực vận hành xe, máy, thiết bị (phương tiện vận chuyển, máy gặt, làm đất, cấy; lò sấy, cơ sở chăn nuôi, giết mổ; chế biến thủy sản, cảng cá, lâm sản…), sản xuất, vận chuyển giống, vật tư nông nghiệp,…
Bộ NN&PTNT yêu cầu Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm nghiên cứu, sát sao chỉ đạo, áp dụng thực hiện kế hoạch phù hợp, có hiệu quả vì sự phát triển của ngành nông nghiệp, đời sống của nông dân và ổn định nông thôn trong bối cảnh phòng chống đại dịch COVID-19.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh trở lại đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức, khiến mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng nặng chưa từng có. Tuy nhiên, với những điều kiện thuận lợi từ tự nhiên, sự thay đổi tích cực từ bà con nông dân, cùng với việc chủ động triển khai, thực hiện có hiệu quả việc rà soát kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, nền nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng hiệu quả, tiếp tục làm tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi vừa đảm bảo lương thực, thực phẩm trong nước, vừa hướng ra xuất khẩu.
Lê ThủyXu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.