Bộ NN&PTNT yêu cầu thanh tra mặt hàng phân bón trước đà giá tăng
Trước bối cảnh giá phân bón tăng cao so với đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại các tỉnh phía Nam.
Mới đây, Tổ trưởng Tổ công tác 970, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam có công văn gửi Tổ công tác 970 của Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch COVID-19.
Theo ông Nam, để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã kiến nghị một chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho sản xuất trong thời gian tới.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước và trên thế giới liên tục tăng. Cụ thể, phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).
Với phân bón nhập khẩu, SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).
Lý giải nguyên nhân làm tăng giá phân bón, các chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, do các nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón của thế giới tăng rất cao. Lưu huỳnh tăng trên 200% so với thời điểm thấp nhất của năm 2019; amoniac tăng gần 200%, kéo theo đó là những phân bón đơn như ure, DAP, super lân… tăng giá theo.
Tiếp đến, giá dầu khí thế giới tăng, nhiên liệu tăng, do vậy quá trình vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, do COVID-19, container thiếu hụt trầm trọng, có lúc chi phí vận chuyển container tăng đến 5 lần so với trước đây. Đó là những nguyên nhân chính làm tăng giá phân bón.
Cũng không ngoại trừ các nguyên nhân khác như quá trình điều phối lưu thông trên thị trường. Trong thời gian qua, Trung Quốc bằng rất nhiều hình thức đã hạn chế xuất khẩu, chính vì thế, chúng ta thiếu một cách cục bộ phân bón theo thời gian cho một số các giai đoạn. Mặt khác, trong nông nghiệp, vụ hè thu là vụ sử dụng phân bón rất lớn trên toàn quốc, do vậy đã đẩy nhu cầu phân bón tăng cao.
Trước tình hình các loại phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu tăng từ 50-73%, đang làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón tràn lan, không đảm bảo chất lượng, hay việc đầu cơ tích trữ, tăng giá kiếm lời. Để bình ổn giá phân bón, Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ công tác 970 Bộ Công thương chỉ đạo các cục quản lý thị trường các tỉnh phía Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.
Lập kế hoạch phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo quy định của Nhà nước.
Huyền My (T/h)Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.