Bộ Pháp điển Việt Nam, công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong kỷ nguyên mới

KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH
01:38 PM 23/11/2024

Ngày 21/11, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đơn vị tổ chức Toạ đàm "Bộ pháp điển Việt Nam - Công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới".

Bộ Pháp điển Việt Nam, công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm "Bộ pháp điển Việt Nam - Công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới" - Ảnh: VGP/LS

Bộ Pháp điển điện tử hữu ích

Giới thiệu về Bộ Pháp điển Việt Nam, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống Quy phạm pháp luật (QPPL), tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển.

Theo ông Thắng, "pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển".

Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam là Bộ pháp điển điện tử, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) phục vụ việc tra cứu, khai thác, sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9 nghìn văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 265/271 đề mục được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng. Đến nay, Bộ pháp điển cơ bản đã hoàn thành, có cấu trúc hợp lý…; việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi.

Bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì thực hiện pháp điển 2 đề mục là đề mục Giáo dục và đề mục Giáo dục đại học.

Hai đề mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã hoàn thành và được Chính phủ thông qua, đăng tải công khai trong Bộ pháp điển. Trong đó, đề mục Giáo dục chứa đựng quy định trong 232 văn bản quy phạm pháp luật; đề mục Giáo dục đại học chứa đựng quy định trong 96 văn bản quy phạm pháp luật. Việc thực hiện pháp điển đối với 2 đề mục này có thể đánh giá là khá công phu.

Qua quá trình thực hiện pháp điển 02 đề mục này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng thời triển khai hiệu quả công tác rà soát, xử lý văn bản nhằm mục tiêu "làm sạch" hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và giáo dục đại học. Từ thực tiễn triển khai công tác pháp điển tại Bộ có thể khẳng định vai trò, ý nghĩa, tác động tích cực của công tác này đối với quá trình hoàn thiện pháp luật.

Sử dụng miễn phí

Luật sư, TS. Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ ấn tượng với kết quả pháp điển dưới nhiều khía cạnh, trong đó, ông cho rằng Bộ pháp điển đem lại những lợi ích vô cùng ý nghĩa cá nhân ông nói riêng và các tổ chức trong xã hội nói chung.

Ông đánh giá Bộ pháp điển đã được các Bộ, ngành xây dựng bảo đảm đúng với các quy định của pháp luật. Chất lượng của Bộ pháp điển thể hiện ở 2 yếu tố cơ bản là tính "khoa học, logic" và tính "đúng, đủ, sạch, sống".

Về tính "khoa học, logic", ông Chuyền nói các quy định trong Bộ pháp điển hiện nay được sắp xếp một cách khoa học, logic giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm được dễ dàng, thuận lợi.

Về tính "đúng, đủ, sạch, sống", được thể hiện ở độ chính xác cao; bảo đảm chứa đựng đầy đủ các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành đang còn hiệu lực; quá trình thực hiện pháp điển, trường hợp phát hiện có quy định mâu thuẫn, chồng chéo thì được các cơ quan tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý (bằng hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ) rồi mới đưa vào Bộ pháp điển…

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết thêm, Bộ pháp điển Việt Nam là sản phẩm chính thức của Nhà nước, được giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.

"Bộ pháp điển được duy trì liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí… Việc công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, đồng thời mở ra những nguồn lực, tạo nên sức mạnh, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật, tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới", ông Thắng chia sẻ.

LS
Ý kiến của bạn
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục

Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.