Bổ sung dự phòng ngân sách TW 14.620 tỷ đồng chi phòng, chống COVID-19

Sự kiện
09:25 AM 01/10/2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 30/9, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 393 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021.

Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 số tiền 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bổ sung dự phòng ngân sách TW 14.620 tỷ đồng chi phòng, chống COVID-19 - Ảnh 1.

Việc bổ sung dự phòng ngân sách trung ương để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 được UBTVQH thảo luật, thống nhất tại phiên họp thứ 3 vừa qua. Ảnh: Quốc hội

Trong đó, nguồn từ kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2021 là 7.420 tỷ đồng, bao gồm 4.960 tỷ đồng cắt giảm kinh phí thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu năm 2021; Tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí, 10% chi thường xuyên khác còn lại và cắt giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 đã giao các Bộ, cơ quan trung ương là 2.460 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 4.200 tỷ đồng từ giảm chi trả nợ lãi so với dự toán của ngân sách trung ương năm 2021. Bên cạnh đó là kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ được chuyển nguồn sang năm 2021 là 4.540 tỷ đồng, trong đó sử dụng để tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách là 1.540 tỷ đồng và cắt giảm kinh phí còn dư là 3.000 tỷ đồng.

Về công tác tổ chức thực hiện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giao Chính phủ sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 được bổ sung theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan triển khai thực hiện, quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình giám sát, kiểm toán, thanh tra việc thực hiện Nghị quyết.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.