Bổ sung phương án xây dựng sân bay thứ hai tại Hà Nội
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ bổ sung phương án xây sân bay thứ hai của thành phố ở phía Bắc trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, thuộc 5 xã của hai huyện là Phú Xuyên và Ứng Hòa.
Hà Nội xác định cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cửa ngõ quan trọng nhất trong giao lưu quốc tế của miền Bắc và Hà Nội. Cảng có lưu lượng hành khách thông qua đến 2030 là 60 triệu mỗi năm, diện tích khoảng 1.500 ha; sau năm 2030 lên đến 100 triệu khách mỗi năm, diện tích 2.200 ha, mở rộng về phía nam.
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội bổ sung phương án xây sân bay thứ hai của thành phố ở phía Bắc trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, thuộc 5 xã của hai huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa.
Tại hội nghị tham vấn định hướng Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tổ chức mới đây, các chuyên gia quy hoạch đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện xây dựng sân bay thứ hai cho Hà Nội. Theo đó, ngoài hai phương án địa điểm sân bay đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương vào tháng 7, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị chủ trì điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô) đưa ra thêm phương án sân bay thứ hai ở phía Nam.
Cụ thể, vị trí đề xuất xây sân bay thứ hai ở Hà Nội sẽ nằm ở phía Bắc của trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú, huyện Ứng Hòa (phương án 2A), khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ hai có diện tích chiếm đất khoảng 1.700ha.
Phương án 2A có vị trí gần trùng với phương án 2B (địa điểm tại xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường, Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa) đã được trình HĐND thành phố trước đó. Do vậy, cả hai phương án đều có ưu, nhược điểm. Vị trí theo phương án 2A hoặc 2B đều nằm trên trục không gian phía Nam, giúp kết nối đô thị trung tâm; liên kết đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, nếu xây ở địa điểm trên cần nâng đường trục kinh tế phía Nam lên đường cao tốc để phục vụ kết nối sân bay thứ hai và bổ sung thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay (khoảng 32 km). Bên cạnh đó, việc làm sân bay có thể gây ảnh hưởng tiếng ồn đến quần thể Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Hương Sơn (chùa Hương).
Phương án 1 trước đó đề xuất địa điểm tại xã Tân Ước, Thanh Vân (Thanh Oai) và xã Tiền Phong, Tân Minh (Thường Tín) với diện tích khoảng 1.300 ha. Ưu điểm của phương án là khoảng cách vào trung tâm thành phố gần, khoảng 20-30 km, gần cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, quốc lộ 21B, đường vành đai 4. Nhưng nếu chọn phương án này cần giải phóng mặt bằng khoảng 5.000 người và hơn 52 ha đất làng xóm của xã Thanh Vân (Thanh Oai).
Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc với 30 cảng đến năm 2030 và hình thành 33 cảng đến năm 2050 công bố hồi tháng 7. Vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến bổ sung cảng nội địa thứ hai để hỗ trợ sân bay Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, đáp ứng mục tiêu hình thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực tại vùng Hà Nội và TP HCM.
Ông Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của đất nước 100 triệu dân, dân số theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cũng sẽ tăng lên 12 - 13 triệu nên việc xây dựng sân bay thứ hai là cần thiết.
Tuy nhiên, để làm sân bay thì Hà Nội phải quy hoạch từ bây giờ để giữ đất, vì chỉ 5 năm nữa khu vực phía Nam sẽ không còn đất để xây.
Cùng quan điểm, ông Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô cần xác định cụ thể chính xác vị trí xây dựng sân bay thứ hai.
Theo ông Sơn, chắc chắn sẽ có những ý kiến khác, thậm chí không đồng thuận việc quy hoạch sân bay nhưng phải kiên quyết vì đây là chủ trương đã được Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải nhất trí.
Theo kế hoạch, đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được báo cáo Chính phủ vào tháng 12 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm 2024.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.