Bộ Tài chính: 6 nhóm giải pháp ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trong năm 2023, trái phiếu do doanh nghiệp (TPDN) bất động sản (BĐS) đáo hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% khối lượng TPDN đáo hạn cả năm. Trong tháng 1/2023, có 01 doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN với khối lượng là 70 tỷ đồng.
Quy mô thị trường TPDN riêng lẻ đạt khoảng 12,6% GDP
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từng bước trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp BĐS. Hiện số dư trái phiếu lưu hành khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ đạt khoảng 12,6% GDP, trong đó trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS chiếm gần 36%.
Từ tháng 10/2022, thị trường TPDN bị tác động mạnh sau vụ việc liên đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, đề xuất điều chỉnh lộ trình áp dụng một số quy định tại Nghị định số 65 về phát hành TPDN riêng lẻ cho phù hợp với thực tế cũng như khó khăn hiện. Việc sửa đổi Nghị định sẽ góp phần giải quyết khó khăn hiện tại của thị trường, cho phép các doanh nghiệp BĐS có thêm thời gian cơ cấu lại, xử lý những khó khăn về nguồn vốn, dòng tiền.
Về hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, việc phát triển thị trường TPDN thời gian vừa qua đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp BĐS huy động vốn trung, dài hạn. Nhiều doanh nghiệp BĐS đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Hiện nay đã có trên 280 doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN.
Năm 2022, khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN nhằm minh bạch thị trường, một số doanh nghiệp phát hành thuộc lĩnh vực BĐS (liên quan đến vụ Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát) đã bị xử lý. Niềm tin của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp phát hành TPDN bị suy giảm.
Trong năm, tổng khối lượng TPDN riêng lẻ do doanh nghiệp BĐS phát hành trong nước đạt 95,5 nghìn tỷ đồng (giảm 53% so với năm 2021); khối lượng TPDN phát hành ra công chúng là 18,6 nghìn tỷ đồng và TPDN phát hành ra thị trường quốc tế là 14,4 nghìn tỷ đồng (625 triệu USD).
Dư nợ trái phiếu do doanh nghiệp BĐS phát hành riêng lẻ đến cuối năm 2022 là 402,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 36% dư nợ toàn thị trường; trong đó 77% trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, 11% được bảo lãnh thanh toán bởi bên thứ ba, 16% không có bảo đảm.
Trong năm 2023, trái phiếu do doanh nghiệp BĐS đáo hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% khối lượng TPDN đáo hạn cả năm. Trong tháng 1/2023, có 01 doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN với khối lượng là 70 tỷ đồng.
Số dư nợ TPDN BĐS hiện tượng đương khoảng 15,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại, nhưng rủi ro trên các thị trường này có sự liên thông; sự đổ vỡ của một thị trường sẽ dẫn đến hệ lụy đối với các thị trưởng liên quan. Do đó, việc điều hành các chính sách trên thị trường BĐS, tín dụng, chúng khoán, TPDN cần được đánh giá toàn diện để đảm bảo vừa nhằm tăng minh bạch, giảm thiểu rủi ro của thị trường, nhưng cũng cần lưu ý tránh việc thay đổi chính sách đột ngột, làm đứt gãy các dòng vốn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
6 giải pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường TPDN
Để chủ động trong công tác điều hành, hạn chế các rủi ro có thể phát sinh trên thị trường TPDN, bao gồm cả việc phát hành TPDN của doanh nghiệp BĐS, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp ổn định thị trường
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu DN công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung vào một số nhóm giải pháp.
Thứ nhất, đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước (NHNN), Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định mỗi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.
Thứ hai, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu DN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ để góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu.
Thứ ba, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.
Thứ tư, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các doanh nghiệp nếu có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán khẩn trương xây dựng và đưa hệ thống giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ vào hoạt động nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Thứ năm, đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu DN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm nếu có.
Thứ sáu, bên cạnh các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu DN, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách để củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định, hỗ trợ thị trường nói chung bao gồm cả thị trường BĐS.
Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp BĐS có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn được cấp phép triển khai nhiều dự án quy mô vượt nhiều lần so với năng lực tài chính, trong khi phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc huy động của người mua nhà.
Tình trạng này dẫn đến rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như rủi ro về dòng tiền, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản trên thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Tài chính kiến nghị việc rà soát, sửa đổi các vướng mắc chính sách tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS để tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, tạo điều kiện cho phát triển thị trường BĐS ổn định, minh bạch.
Mai PhươngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.