Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá năm 2024

Chính sách
04:07 PM 24/04/2024

Theo đó, 3 kịch bản điều hành giá của Bộ Tài chính tương ứng dự báo CPI bình quân tăng khoảng 3,64% so với năm 2023 (kịch bản 1); tăng 4,05% (kịch bản 2) và tăng khoảng 4,5% (kịch bản 3).

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá Quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.

Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả công tác quản lý, điều hành giá Quý I năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024 cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Bình quân quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường bán lẻ vẫn được kỳ vọng đang trên đà phục hồi. Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1537 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%...

Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá năm 2024- Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Ảnh: Internet

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024, tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá, tương ứng dự báo CPI bình quân tăng khoảng 3,64% so với năm 2023 (kịch bản 1); tăng 4,05% (kịch bản 2) và tăng khoảng 4,5% (kịch bản 3).

Bộ Tài chính cũng kiến nhị các biện pháp điều hành giá trong Quý II/2024 và các tháng còn lại của năm 2024. Theo đó công tác quản lý, điều hành giá cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, triển khai thi hành Luật Giá có hiệu lực từ 1/7/2024.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, dự báo chi tiết, cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu để chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế.

Qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Về điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Trên cơ sở kịch bản điều hành giá, các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu, có quyền số cao trong CPI.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.