Bộ Tài chính đã hoàn hơn 29.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng

Tài chính - Đầu tư
01:29 PM 05/04/2025

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số quyết định hoàn thuế năm 2025 lũy kế đến ngày 23/3/2025 là 3.705 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 29.236 tỷ đồng, bằng 108% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024.

Thông tin trên được Bộ Tài chính công bố chiều 4/4. Trong đó, hoàn cho xuất khẩu là 3.423 quyết định với tổng số tiền được hoàn 26.163 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89% tổng số đã hoàn, bằng 106% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024 (3.643 quyết định với tổng số tiền được hoàn 24.791 tỷ đồng).

Hoàn cho dự án đầu tư là 159 quyết định với tổng số tiền được hoàn 2.925 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10% tổng số đã hoàn, bằng 139% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024 (183 quyết định với tổng số tiền được hoàn 2.102 tỷ đồng).

Hoàn cho trường hợp khác là 123 quyết định với tổng số tiền hoàn 148 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1% tổng số đã hoàn, bằng 63% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024 (136 quyết định với tổng số tiền được hoàn 235 tỷ đồng).

Bộ Tài chính đã hoàn hơn 29.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa, internet

Theo phân loại, hồ sơ hoàn trước, đã ban hành 2.777 quyết định với số tiền được hoàn 17.320 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% tổng số đã hoàn, bằng 106% so với số hoàn cùng kỳ năm trước (2.996 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 16.269 tỷ đồng); hồ sơ kiểm tra trước: đã ban hành 928 quyết định với số tiền được hoàn là 11.916 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41% tổng số đã hoàn, bằng 110% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024 (966 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 10.859 tỷ đồng).

Chia sẻ tại buổi họp báo của Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, về tổng thể, chính sách hoàn thuế hiện nay đã có cơ chế linh hoạt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp tuân thủ tốt chính sách sẽ được ưu tiên hoàn thuế. Theo quy định, sau 5 ngày, cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thuế, gần 80% hồ sơ hoàn thuế được xử lý theo cơ chế hoàn trước, kiểm tra sau; chỉ một số ít doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (chủ yếu là các doanh nghiệp hoàn thuế lần đầu hoặc có yếu tố rủi ro). Những vướng mắc về chính sách hoặc các trường hợp có rủi ro cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số hồ sơ hoàn thuế hàng năm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn