Bộ Tài chính đề xuất 4 chính sách để xây dựng Luật thuế GTGT sửa đổi
Việc xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi nhằm mục tiêu mở rộng cơ sở thu thuế; nghiên cứu sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng thu đủ.
Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu thuế; nghiên cứu sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước. Sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 4 chính sách trong đề nghị xây dựng luật bao gồm:
Chính sách 1: Mở rộng cơ sở thuế (thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 5%).
Giải pháp thực hiện là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Luật thuế GTGT để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật thuế GTGT để thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 10%).
Chính sách 2: Sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Mục tiêu của chính sách này nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, phòng chống rửa tiền, hạn chế gian lận để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.
Chính sách 3: Sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 7 Luật thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng không chịu thuế và giá tính thuế để đồng bộ với quy định của các luật khác có liên quan (Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật trồng trọt; Luật chứng khoán).
Chính sách 4: Sửa đổi để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Luật thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất đối với dịch vụ xuất khẩu để tránh vướng mắc trong thực hiện; nghiên cứu áp dụng mức thuế suất phổ thông phù hợp.
Những vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi nêu trên là yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội và quản lý thuế, phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua ngày 03/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XII có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 để thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, năm 2005. Luật thuế GTGT đã qua 03 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014 và năm 2016 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường quản trị kinh doanh, phòng ngừa các hành vi lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT; tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu NSNN.
Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT hiện hành đã phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế GTGT.
Thương Huyền (t/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.