Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng
Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ tờ trình dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo Bộ Tài chính, ngày 22/2, Thủ tướng có Công điện số 160/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính được giao “chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu”.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã chỉ đạo Bộ Tài chính đã xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo dự thảo Nghị quyết được gửi lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít (giảm 1.000 đồng/lít).
Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm thuế trên từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít (giảm 500 đồng/lít). Giảm thuế môi trường với mỡ nhờn từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg). Giảm thuế môi trường với dầu hỏa từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít (giảm 500 đồng/lít).
Thời gian áp dụng giảm thuế trên được Bộ Tài chính đề xuất kéo dài hết năm nay, thời điểm bắt đầu áp dụng được Bộ Tài chính đưa ra tính toán là từ ngày 1/4 tới.
Khi chính sách trên được áp dụng, giá xăng dầu sẽ giảm tương ứng 500 – 1.000 đồng/lít xăng dầu (tuỳ loại). Nếu so với giá bán xăng A95 hiện hành ở mức gần 27.000 đồng/lít, mức giảm thuế này vẫn chưa thấm vào đâu, khi thuế vẫn chiếm tới gần 40% giá thành.
Nếu trừ dầu hoả (tỷ lệ tiêu thụ rất ít, chủ yếu phục vụ vùng khó đốt đèn chiếu sáng), với các loại xăng dầu thông dụng khác, Bộ Tài chính đề xuất thuế môi trường chỉ giảm ở mức tương đương khoảng 30% hiện hành. Hiện xăng dầu hiện là sản phẩm đầu vào của rất nhiều ngành nghề kinh tế, phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân.
Trong khi trước đó, nhiên liệu bay phục vụ cho ngành hàng không đã được giảm thuế bảo vệ môi trường với tỷ lệ 50% (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít), kéo dài từ tháng 1 tới hết năm 2022.
Bộ Tài chính tính toán, nếu giảm thuế theo mức trên, tính trên sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm nay tương đương năm 2019, tổng số thuế bảo vệ môi trường nộp ngân sách sẽ giảm tương ứng khoảng 14.524 tỷ đồng/năm. Tổng số thu ngân sách (từ cả thuế môi trường và thuế giá trị gia tăng giảm theo) cả năm gần 16.000 tỷ đồng.
Nếu chính sách có hiệu lực từ 1/4 và áp dụng tới hết năm nay, số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 11.982 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính đánh giá việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ổn định lạm phát.
Ngoài ra, việc giảm thuế còn góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi giá dầu thô tăng cao.
Việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu còn góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như trên là đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường.
HM (t/h)Giá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.