Bộ Tài chính đề xuất lùi thời gian tăng thuế TTĐB với rượu, bia sang năm 2027

Chính sách
11:00 AM 23/04/2025

Theo đại diện Bộ Tài chính, có thể giãn bớt lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các mặt hàng trong đó có rượu bia và thực hiện từ năm 2027.

Tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt tổ chức ngày 22/4, ông Lưu Đức Huy, Phó cục trưởng Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đã đề xuất Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - cơ quan thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự luật - giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng, trong đó có bia, rượu.

Theo ông Lưu Đức Huy, Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao dự án Luật này và phải bám sát vào chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó có nêu định hướng phải sửa đổi bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính đề xuất lùi thời gian tăng thuế TTĐB với rượu, bia sang năm 2027- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vừa qua, Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng, tác động mạnh đến kinh doanh cũng như tâm lý của các doanh nghiệp và của cả Việt Nam, các nước trên thế giới. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính có nghiên cứu báo cáo với Chính phủ xem xét một số vấn đề về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Chính phủ đã lấy phiếu thành viên để điều chỉnh phương án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, để Bộ Tài chính giúp cơ quan Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về nội dung cần thiết điều chỉnh phương án.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn lộ trình thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này sang 2027, thay vì 2026 như dự kiến ban đầu.

Cùng với đó, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án tăng thuế "đỡ sốc" cho doanh nghiệp. Theo phương án này, rượu từ 20 độ trở lên dự kiến tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% trong 5 năm. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60%, bia cũng tăng từ 65% hiện nay lên 90% trong cùng giai đoạn.

Theo một báo cáo công bố năm nay của hãng nghiên cứu thị trường EMR Claight, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam năm 2024 đạt 15,5 tỷ USD.

Năm ngoái, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 4,4 tỷ lít (xấp xỉ năm 2023). Mức tiêu thụ nước giải khát 4,7 tỷ lít, tăng 4,8% so năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA).

Ngành này đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt trên 40.000 tỷ đồng. Ba năm gần đây, lợi nhuận bình quân toàn ngành giảm, từ 12% trong 2021 xuống còn 10% vào 2023. Thu ngân sách giảm bình quân 10% mỗi năm.

Trưởng phòng, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép do biến động kinh tế toàn cầu, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng như rượu, bia cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo đó, lộ trình tăng thuế nên được thiết kế hợp lý, vừa phải, không gây sốc cho thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng. Đối với mặt hàng bia, VCCI đề xuất tăng thuế từ năm 2028, theo hướng mỗi 2 năm tăng 5% cho đến năm 2030.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới Việt Nam đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới

Với nền kinh tế năng động, ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam đang nổi lên như một “điểm nóng” về công nghệ thế hệ mới. Gần 100 quỹ đầu tư đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của giới đầu tư quốc tế.