Bộ Tài chính đề xuất nới điều kiện ký quỹ trước khi giao dịch

Chứng khoán
10:16 AM 02/02/2024

Một trong các giải pháp giúp nâng hạng thị trường chứng khoán là Bộ Tài chính sẽ đề xuất nới điều kiện ký quỹ với nhà đầu tư trước khi giao dịch.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/2, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tích lũy được nhiều mặt, đến giai đoạn hiện nay rất cần thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển mới thực hiện được mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế.

Chủ động sớm nhất để đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới vào vận hành trên thị trường.

Chủ động sớm nhất để đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới vào vận hành trên thị trường.

Bộ Tài chính xác định, đây là mục tiêu bao trùm, phấn đấu cùng các bộ, ngành có liên quan để thực hiện. Để đạt được mục tiêu này sớm nhất vào năm 2025 thì năm 2024, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất để nâng hạng thị trường là xử lý vấn đề ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại.

Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% khi giao dịch. Đây là một rào cản mà Việt Nam phải giải quyết khi muốn nâng hạng thị trường.

Được biết, Bộ Tài chính đã làm việc với các tổ chức xếp hạng, thành viên thị trường để xem xét đánh giá và dự kiến sẽ trình cấp thẩm quyền phương án khả thi xử lý vấn đề này trong năm 2024 theo khuyến nghị của các tổ chức xếp hạng quốc tế. 

Cụ thể, phương án được đề xuất là xem xét sửa đổi Thông tư 120 gỡ bỏ quy định NĐT phải ký quỹ 100% tiền trước khi mua chứng khoán, thay vào đó cho phép công ty chứng khoán (CTCK) được quyền chủ động quy định NĐT của mình có phải ký quỹ hay không cần ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ đối với từng NĐT căn cứ vào đánh giá tín nhiệm của CTCK đối với từng NĐT đó (đánh giá KYC) cũng như tỷ lệ ký quỹ cho từng chứng khoán căn cứ vào mức độ rủi ro của từng chứng khoán.

Trường hợp NĐT không đủ tiền để thanh toán giao dịch, công ty chứng khoán (CTCK) sẽ phải thực hiện thanh toán cho NĐT, áp dụng cả trường hợp NĐT mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký (NHLK) và chỉ đặt lệnh tại CTCK (trường hợp phổ biến đối với NĐT tổ chức tài chính nước ngoài).

Song giải pháp căn cơ và lâu dài đối với vấn đề về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch vẫn là triển khai cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), khi đó các văn bản pháp lý không yêu cầu nhà đầu tư (NĐT) phải ký quỹ trước khi giao dịch, đồng thời VSDC là đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán cuối cùng cho các giao dịch của NĐT (với cơ chế CCP sẽ không có việc huỷ giao dịch khi NĐT mất khả năng thanh toán).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức xếp hạng minh bạch tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố thông tin này rõ ràng, đầy đủ nhất và thể hiện song ngữ Việt - Anh. Đồng thời, có những quy định yêu cầu doanh nghiệp niêm yết cập nhật và công bố thông tin về các nhà đầu tư đảm bảo minh bạch trên thị trường và với các nhà đầu tư nước ngoài.

Vấn đề minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh sẽ được Bộ Tài chính triển khai ngay trong nửa đầu năm 2024, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết cũng như sắp xếp các bước đi phù hợp nhất để kết thúc năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết cơ bản phải công bố thông tin của mình theo quy định trên thị trường bằng hai thứ tiếng: Tiếng Việt và tiếng Anh.

Bộ sẽ chủ động đưa hệ thống giao dịch mới vận hành sớm nhất trên thị trường đảm bảo yêu cầu giao dịch của thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, để được xem xét đánh giá và nâng hạng thì phụ thuộc rất nhiều vào các quy định pháp lý của chúng ta. Những công việc nói trên được thể hiện bằng văn bản pháp lý nhưng cũng được thể hiện thực tế trên thị trường. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức xếp hạng nước ngoài mới xem xét và đánh giá để nâng hạng thị trường chứng khoán của chúng ta theo tiến độ và mục tiêu của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán chúng ta đã đề ra.

Nhìn chung, trong bất kỳ giải pháp nào cũng phải đảm bảo thị trường quản trị được rủi ro, nhất là rủi ro hệ thống, đảm bảo thị trường vận hành ổn định, an toàn và bền vững.

Ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn