Bộ Tài chính đề xuất quy định mới tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chính sách
03:38 PM 15/12/2022

Ngày 13/12, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sửa đổi thể hiện bốn giải pháp chính nhằm hỗ trợ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Thứ nhất, theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65. Nghị định 65 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Bộ Tài chính đề xuất quy định mới tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính báo cáo thị trường đang gặp khó khăn về thanh khoản. Việc giãn thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.

Thứ hai, Bộ Tài chính cũng đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định 65.

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm sẽ mất một thời gian đáng kể và tăng thêm chi phí phát hành.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện thay vì từ 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm 2023.

Về phía doanh nghiệp, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của trái phiếu khi minh bạch hóa đơn tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua công bố hệ số tín nhiệm, doanh nghiệp vẫn có thể chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm.

Thứ ba, tại dự thảo này, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ hoãn việc thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định 65 trong vòng 1 năm.

Theo đó, việc phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Kể từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 65, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày. Quy định này được cho là phù hợp với chính sách hoãn việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hướng đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cũng tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu. Theo Bộ Tài chính, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024. 

Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm.

Việc cho phép gia hạn sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024. Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tới kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, theo đó đến giai đoạn năm 2025-2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về cơ cấu nợ.

Thứ tư, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác phụ thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cơ sở cam kết, điều kiện mà doanh nghiệp phát hành đưa ra đối với từng đối tượng nhà đầu tư.

Do đó, để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của luật dân sự và pháp luật liên quan.

Trước đó, tại Nghị quyết 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP) về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.