Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2025 gần 2 triệu tỷ đồng

Tài chính - Đầu tư
03:29 PM 28/10/2024

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024.

Nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin liên quan đến đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2024 và dự kiến dự toán thu chi NSNN năm 2025 trình Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ VIII xem xét, quyết định, Bộ Tài chính đã biên soạn và phát hành “Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2025 Chính phủ trình Quốc hội”.

Theo báo cáo, dự toán thu NSNN 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, dự toán thu NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,8% GDP.

Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2025 gần 2 triệu tỷ đồng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.668,3 nghìn tỷ đồng, tăng 95,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 85% tổng thu cân đối NSNN; dự toán thu dầu thô là 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024, giảm 6,1 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 2,7% tổng thu cân đối NSNN; dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 31 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024 và tương đương ước thực hiện năm 2024, chiếm 12,1% tổng thu cân đối NSNN...

Báo cáo cũng đưa ra dự toán chi NSNN năm 2025. Theo đó, dự toán tổng chi NSNN năm 2025 khoảng 2.548,9 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm số sử dụng từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư đến hết năm 2024 chuyển sang để bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương).

Cụ thể, dự toán chi đầu tư phát triển là 790,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 31,0% tổng chi NSNN; dự toán chi trả nợ lãi là 110,5 nghìn tỷ đồng; trong đó chi trả nợ lãi ngân sách trung ương là 107,4 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi ngân sách địa phương là 3,1 nghìn tỷ đồng, đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ lãi theo quy định.

Báo cáo cũng cho biết, dự toán chi thường xuyên là 1.554,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 60,9% tổng chi NSNN. Trong đó, dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương là 726 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương (bao gồm số bổ sung từ ngân sách trung ương đảm bảo tiền lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng) là 828,6 nghìn tỷ đồng, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội theo phân cấp.

Căn cứ mục tiêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, dự toán bội chi NSNN năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,8%GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 443,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,6%GDP), bội chi ngân sách địa phương là 28,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 0,2%GDP). Đến cuối năm 2025, các chỉ tiêu về nợ công trong phạm vi được duyệt.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính quán triệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Đồng thời, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.