Bộ Tài chính lên tiếng về loạt vướng mắc: Từ thực hiện giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%, đến dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn

Đầu tư và Tiếp thị
10:32 AM 04/04/2022

Vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra thông tin về một số vấn đề được dư luận xã hội, báo chí quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ trong tháng 3/2022.

Một số ý kiến cho rằng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% theo NĐ 15 của Chính phủ đã triển khai được hơn 1 tháng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không biết thông tin giảm VAT khi mua sắm, doanh nghiệp cũng rối bời xác định thuế với từng danh mục sản phẩm.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) có ý kiến như sau:

Trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Tổng cục Thuế nhận được một số công văn của các Hiệp hội, doanh nghiệp, Cục Thuế và một số cơ quan báo chí phản ánh vướng mắc.

Về nguyên tắc, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định loại trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ cụ thể không được giảm thuế và quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Các Cục Thuế hướng dẫn người nộp thuế đối chiếu hàng hóa, dịch vụ mà người nộp thuế sản xuất, kinh doanh với các nhóm hàng hóa, dịch vụ loại trừ không được giảm thuế tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 15 và Danh mục hàng hóa, dịch vụ tại các Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định 15 để thực hiện đúng quy định.

Để giải quyết các vướng mắc của người nộp thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn hướng dẫn chung như sau:

- Công văn số 2688/BTC-TCT ngày 23/3/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thuế GTGT tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

- Công văn số 902/TCT-CS ngày 25/3/2022 của Tổng cục Thuế hướng dẫnCục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thuế GTGT tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Bộ Tài chính lên tiếng về loạt vướng mắc: Từ thực hiện giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%, đến dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn - Ảnh 1.

Ngoài ra, vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn không chỉ đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản mà còn khiến hàng triệu nông dân lâm cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) có ý kiến như sau:

Quy định về hoàn thuế GTGT

Chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành đã có những quy định ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, quy định sản phẩm chưa qua chế biến do các tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt, chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế. Các khâu trung gian mua bán kinh doanh thương mại các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế của người nộp thuế kê khai theo phương pháp khấu trừ cũng không phải kê khai, nộp thuế GTGT.

Trường hợp các sản phẩm nông nghiệp nêu trên được các cơ sở sản xuất, chế biến thành sản phẩm tinh chế để bán thì:

- Các cơ sở sản xuất, chế biến trực tiếp xuất khẩu thì được hưởng thuế suất GTGT xuất khẩu là 0% (Thuế GTGT đầu vào phát sinh của các phụ liệu phụ trợ chiếm tỷ lệ thấp);

- Các cơ sở sản xuất, chế biến sau khi chế biến thành sản phẩm tinh chế nêu trên bán lại cho doanh nghiệp nội địa để kinh doanh xuất khẩu thì sẽ chịu thuế suất GTGT 10%. Các doanh nghiệp nội địa này khi xuất khẩu được hưởng thuế suất GTGT là 0% và sẽ được hoàn lại từ NSNN số thuế GTGT đầu vào đã kê khai nộp thuế ở khâu trước đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện về hoàn thuế xuất khẩu theo quy định (Có đầy đủ hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai xuất khẩu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng ghi đầy đủ các nội dung theo quy định như: Tên đơn vị chuyển khoản, số tài khoản đơn vị chuyển khoản, số tiền chuyển khoản phù hợp với giá trị thanh toán ghi trên hợp đồng...).

Chính sách hoàn thuế GTGT đã được quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, đã quy định cụ thể về hồ sơ hoàn thuế gồm các văn bản thông thường của hoạt động thương mại như hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng được chuyển từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản của bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng.

Trường hợp thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định về nội dung ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng là một trong các căn cứ chứng minh, xác thực việc mua hàng, xuất khẩu để làm cơ sở giải quyết hoàn thuế GTGT từ NSNN.

Theo Bộ Tài chính, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN và thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định nhưng thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn,… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Một số vụ việc điển hình đã được cơ quan Công an phối hợp xử lý như: Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức…

Để công tác quản lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07/3/2022 chỉ đạo các Cục Thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn. Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam

Về kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam thì ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam (thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan). Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ Ngân sách nhà nước theo quy định.

Về các đơn kiến nghị của Hiệp Hội Sắn Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có các văn bản trả lời, giải đáp đầy đủ (Công văn số 11309/BTC-CST ngày 01/10/2021, Công văn số 3275/TCT-TTKT ngày 31/08/2021, Công văn số 543/TCT-TTKT ngày 25/02/2022).

Do cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành để xác minh các điều kiện, thủ tục trong việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế là một trong các biện pháp nghiệp vụ của ngành thuế để thực hiện quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế nói riêng đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định.

Đối với các trường hợp vi phạm trong khâu xác minh nêu trên, hiện nay cơ quan thuế đã có Công văn số 20/TCT-TTKT ngày 23/3/2022 chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.