Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội ban hành Luật thuế liên quan đến tài sản
Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho Vụ Chính sách Thuế chủ trì trình Quốc hội ban hành Luật Thuế liên quan đến tài sản trong thời gian năm 2023 - 2025.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 2439/QĐ-BTC, ban hành Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.
Theo Quyết định này, mục tiêu tổng quát trong kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đặt ra mục tiêu về cải cách chính sách thuế. Hệ thống chính sách thuế của Việt Nam đến năm 2025 bao gồm các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu sau: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thút tốt theo thông lệ quốc tế.
Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Các đơn vị chức năng sẽ xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và của pháp luật có liên quan.
Về lộ trình, thời gian thực hiện, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính thực hiện ổng kết, đánh giá thi hành chính sách thu liên quan đến thuế tài sản thời gian năm 2022 - 2023. Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính chủ trì trình Quốc hội ban hành Luật Thuế liên quan đến tài sản (thời gian năm 2023- 2025)
Tổng cục Thuế chủ trì trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn Luật trong năm 2025.
Dự thảo Luật thuế tài sản đã có từ 2018
Liên quan đến thuế tài sản, năm 2018, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản. Theo dự thảo, giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá 1m2 đất tính thuế. Giá 1m2 đất tính thuế là giá 1m2 đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế.
Dự thảo đề xuất ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà do việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội.
Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau (đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà biệt thự, nhà ở cấp I cao hơn rất nhiều đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà ở cấp III, cấp IV). Trong đó có phương án ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.
2 phương án thuế suất thuế tài sản gồm: áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3%; hoặc áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,4%.
Dự thảo ra đời và đăng công khai lấy ý kiến đóng góp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính từ 17/4/2018.
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.