Bộ Tài chính xác định mục tiêu, giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ 2025
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, Bộ Tài chính quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, đặt ra 9 nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành.
Năm 2025 là năm đặc biệt, năm cuối cùng triển khai thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 và thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy theo Kết luận 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương; là năm triển khai xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2026-2030, năm tiến hành đại biểu địa phương các cấp để tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực được dự báo sẽ còn phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, tỷ giá gia tăng, các vấn đề nội tại của nền kinh tế, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao. Thị trường tài chính, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm 2025.
Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10,11/2024), Quốc hội đã thông qua Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2025. Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 12/11/2024 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4,5%,...;
Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024 về dự toán NSNN năm 2025 với các chỉ tiêu như sau: Dự toán thu NSNN là 1,97 triệu tỷ đồng; trong đó: thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%.
Dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%. Bội chi NSNN là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Vay trả nợ gốc là 363,6 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính xác định mục tiêu, giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2025 là: Xây dựng, điều hành chính sách tài khóa hài hòa với chính sách tiền tệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, trong đó chú trọng nguồn đầu tư hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, kết nối vùng và liên vùng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, Bộ Tài chính quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành đã đề ra. Trong đó:
Một là, giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.
Hai là, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Bốn là, kiểm soát hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, nghĩa vụ nợ dự phòng.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Sáu là, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước.
Bảy là, tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Tám là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Chín là, chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nhật HàĐỉnh Fansipan ngày hôm nay tiếp tục được phủ lớp băng dày 5mm. Như vậy, đã 4 ngày liên tiếp, hiện tượng băng giá liên tục xuất hiện trên nóc nhà Đông Dương, tạo nên một cảnh tượng kỳ thú khiến du khách phấn khích.