Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2025
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3-8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Tài chính đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2025.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cho ý kiến về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 diễn ra vào sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trước đó xác định năm nay GDP phải tăng 8% trở lên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, tại hội nghị này, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3-8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu, điều hành kịch bản tăng trưởng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản. Cụ thể như sau:
Kịch bản 1: Xác định tăng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, nếu tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm, gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 108 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 16% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%. Bộ ước tính nếu tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%).Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm, gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên, tuy nhiên với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn hơn, vượt mọi khó khăn, thách thức thực hiện cao hơn mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 và các năm tiếp theo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo Kịch bản 2, tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP.HCM 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các gói 500 nghìn tỉ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội…
An Mai (t/h)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã ký ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.