Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi đất của doanh nghiệp có dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài
Theo Bộ Tài chính, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý thu hồi nợ thuế. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện việc thu hồi đất theo quy định.
Trong công văn số 5258/BTC-TCT gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính đã yêu cầu tăng cường các biện pháp để thu hồi nợ thuế.
Theo Bộ tài chính, thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ và sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, công tác thu ngân sách đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% dự toán pháp lệnh, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Năm 2024 công tác thu ngân sách tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử , tăng cường chống thất thu, thực hiện xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao (đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Việc sử dụng Hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh là quy định bắt buộc đối với tất cả các giao dịch nhưng ở một số ngành hàng vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tính tuân thủ chưa cao trong việc thực hiện. Bên cạnh đó nhiều người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn khi tiêu dùng, mặc dù cơ quan thuế đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền và triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn" để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn.
Để thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và đẩy mạnh việc đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm ngày 31/12/2024 trên tổng số thực thu ngân sách nhà nước năm 2024 không vượt quá 8% và tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm 2024 không vượt quá 5% tổng số thực thu NSNN năm 2024, huy động sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính trị vào công tác xử lý thu hồi nợ thuế vào NSNN, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính kính đề nghị các đồng chí quan tâm và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, về công tác triển khai áp dụng Hóa đơn điện tử. Các tỉnh, thành phố cần thành lập Ban chỉ đạo triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn do Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên tham gia là đại diện Cục Thuế, cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công thương, Sở Thông tin truyền thông, Sở Y tế, Sở Văn hóa thể thao du lịch, Sở Giao thông vận tải,…; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để triển khai thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử nói chung, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
Rà soát, tuyên truyền, động viên, yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trì, dịch vụ thẩm mỹ, bán lẻ thuốc tân dược, phí đường bộ, cáp treo,… Thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024 (đạt tối thiểu 70% tổng số DN, HKD thuộc đối tượng phải áp dụng theo Kế hoạch triển khai của Cục Thuế).
Bên cạnh đó, cần thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký áp dụng HĐĐT, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất đầy đủ HĐĐT; Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng, áp dụng không đầy đủ việc lập HĐĐT, vi phạm pháp luật về thuế.
Phối hợp với cơ quan thuế thực hiện tuyên truyền đối với người bán hàng và người mua hàng về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong việc đáp ứng yêu cầu phải xuất hóa đơn liên tục, 24/7, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua hàng lấy hóa đơn điện tử một cách thuận tiện.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo chuyên ngành, đồng thời phối hợp với cơ quan Thuế để giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt là hành vi mua bán hóa đơn.
Thứ hai, về công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế. Bộ Tài chính đề nghị Thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh/thành phố (gọi tắt là Ban chỉ đạo) do Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên là đại diện các Sở, Ban, Ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc hoặc rà soát, bổ sung nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo (nếu đã thành lập) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động chi tiết để triển khai thực hiện.
Ban chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế. Định kỳ hàng tháng, Ban chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động với UBND tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính (qua Tổng cục Thuế) để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn (Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Công an, Thông tin truyền thông, Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Xây dựng, Quản lý xuất nhập cảnh...) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng thuế. Đặc biệt đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý thu hồi nợ thuế. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện việc thu hồi đất theo quy định.
Chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan liên quan phối hợp cung cấp thông tin để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; Công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; Đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Nhật MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.