Bộ trưởng Bộ Công thương: Không kéo dài ưu đãi giá FIT cho điện gió
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, hiện Bộ đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, và đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025.
Không đồng ý kéo dài ưu đãi giá FIT cho dự án điện gió
Ngày 9/11/2021, giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đề cấp đến việc gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT (biểu giá điện ưu đãi) cho các dự án điện gió, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư.
Theo Bộ trưởng, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không hợp lý, bởi không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ, gây bất bình đẳng với các dự án khác cùng cơ chế nhưng đã thực hiện đúng tiến độ.
Hiện nay, giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này, có thể sẽ xảy ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà nước và các đối tượng sử dụng điện.
Ngoài ra, trong quá trình lấy ý kiến về nội dung trên, Bộ Công thương không nhận được sự thống nhất của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: "Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó điểm cốt yếu là Cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ đàm phán giá với EVN, trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành. Các dự án dở dang sẽ được xem xét giải quyết, trong điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Quyết định nêu trên. Đồng thời, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng Khung giá cho điện gió, điện mặt trời làm căn cứ cho nhà đầu tư đàm phán với EVN trong thời gian tới".
Thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thị trường phát điện cạnh tranh được ngành triển khai từ khá sớm nhờ vậy, đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân hoặc công ty cổ phần sản xuất.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng đã được vận hành từ đầu năm 2019, và đến nay, EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà có thêm 5 Tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường.
Bộ Công thương đang tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ, chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện, và thị trường điện hạch toán độc lập trong EVN, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện Bộ Công thương đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta.
Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025. Đồng thời, đã trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa 1 điều của Luật Điện lực, để tư nhân có thể được đầu tư vào phân khúc truyền tải điện.
Bên cạnh đó, Bộ cũng Trình Chính phủ 2 kế hoạch về cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện, nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện ở nước ta; và việc cho phép triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025,… Sau khi được chấp thuận, Bộ sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc.
Hồng NhuậnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.