Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Trọng tâm bàn về công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và Lễ hội Vì Hòa bình năm 2022 và một số định hướng phát triển lĩnh vực VHTT&DL của tỉnh năm 2022 và giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ VHTT&DL có ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; về phía tỉnh Quảng Trị có ông Lê Quang Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; ông Võ Văn Hưng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị báo cáo về một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2021 nói chung, lĩnh vực VHTT&DL nói riêng; một số khó khăn của địa phương. Đồng thời Quảng Trị kiến nghị, đề xuất Bộ VHTT&DL hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, tôn tạo, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa – lịch sử trên địa bàn; phối hợp và hỗ trợ tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và Lễ hội Vì Hòa bình năm 2022 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022), 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ...
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả VH,TT&DL của tỉnh Quảng Trị đạt được trong những năm qua. Bộ trưởng tin tưởng trong những năm tới, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát triển bền vững. Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của quê hương cách mạng, xây dựng và làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Gắn phát triển văn hóa với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; chú trọng công tác quy hoạch, phát triển các loại hình du lịch; bảo tồn và không ngừng phát huy các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn gắn với phát triển du lịch. Đây là tài sản vô giá của địa phương cần phải đặc biệt quan tâm và có phương án khai thác, phát huy hiệu quả. Đề nghị lãnh đạo tỉnh cần quan tâm bố trí và có chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực VHTT&DL của địa phương...
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng ghi nhận và sẽ xem xét, hỗ trợ tối đa đối với những phần việc trong phạm vi quản lý của Bộ. Đối với những lĩnh vực khác thuộc trách nhiệm phối hợp, Bộ sẽ kiến nghị hoặc phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ để giúp Quảng Trị có điều kiện phát triển.
Theo đó, Bộ VHTT&DL sẽ đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh Quảng Trị đầu tư trong kế hoạch trung hạn Chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2021 – 2025 để hỗ trợ hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; hỗ trợ dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các địa phương, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch... Yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc bộ nghiên cứu để hỗ trợ, giúp Quảng Trị phát triển mạnh mẽ hơn về VHTT&DL.
Về kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất dự kiến tổ chức tại tỉnh Quảng Trị trong năm 2022, Bộ trưởng thống nhất sẽ hỗ trợ Quảng Trị về chuyên môn để tổ chức thành công các sự kiện. Bộ sẽ xây dựng kịch bản và tổ chức một chương trình nghệ thuật đặc biệt để phục vụ sự kiện trọng đại của địa phương trong năm 2022. Đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị rà soát, có phương án tổ chức các hoạt động phù hợp với diễn biến tình hình COVID-19, đồng thời chỉ đạo Sở VHTT&DL làm việc với Cục Biểu diễn nghệ thuật, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc, các cơ quan liên quan của bộ để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện.
Lê Dung
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.