Bộ trưởng Bộ Y tế: Loạn giá xét nghiệm do các đơn vị 'mải mê chống dịch'
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước đây, trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá.
Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Loạn giá test do quá bận về công tác phòng, chống dịch
Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) quan tâm vấn đề loạn giá xét nghiệm Covid-19 gây bức xúc cho nhân dân. Ông đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm không, và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?
Ngoài ra, Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cũng đặt câu hỏi vì sao Việt Nam đã sản xuất được kit, test xét nghiệm Covid-19 nhưng vẫn phải nhập của nước ngoài?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán, trước đây, không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn.
Bộ trưởng dẫn chứng, hồi đầu năm 2020, giá khẩu trang, găng tay, máy thở do khan hiếm đã bị đẩy lên cao, các quốc gia có tình trạng tranh mua trong thời điểm đầu. Song thời gian qua, do nhiều doanh nghiệp tham gia vào nên đã làm giảm giá những mặt hàng này.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm;...
Hiện nay, Bộ đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28. Cùng với đó, tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5), và test PCR (gộp 10-20) để giảm giá thành.
Đồng thời, Bộ Y tế liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm "hiệu quả, tiết kiệm".
Theo Bộ trưởng, trước ngày 1/7/2021, lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1/7, Bộ Y tế tiên lượng thị trường sôi động hơn vì việc xét nghiệm nhiều hơn. Vì vậy, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng "thực thanh thực chi".
Nếu người dân tự nguyện đến xét nghiệm, và thu phí thì chỉ được thu theo giá đầu vào, nên có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các đơn vị tư nhân - đó cũng là hiện trạng Bộ Y tế đã nhận ra trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, tức là giá đấu thầu, các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này".
Phòng chống đại dịch chưa có trong tiền lệ
Về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, đại dịch Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.
Trên cơ sở thực tiễn đất nước, và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".
Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác,... Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.
Về cách ly y tế đối với F1, Bộ trưởng nhấn mạnh, tùy từng đặc điểm của địa phương, khu vực (mật độ dân cư, tỷ lệ bao phủ vaccine) để tiến hành cách ly một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn.
Dự báo diễn biến dịch bệnh là việc rất khó
Về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, "giữ chân người tài" trong lĩnh vực y tế công lập, theo Bộ trưởng, Bộ Y tế luôn quan tâm đến công tác này, đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, chế độ phụ cấp nhằm thu hút, giữ chân cán bộ giỏi.
Thực tế hiện nay, đa số các chuyên gia đầu ngành đều đang công tác trong các cơ sở y tế công lập, số người chuyển sang làm việc ở khu vực y tế tư nhân chỉ là thiểu số... Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng, hoàn thiện cơ chế trong lĩnh vực này.
Về dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin: "Đây là công việc rất khó khăn, khó thực hiện, do virus liên tục biến chủng, đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp, tham khảo tư vấn của các tổ chức quốc tế trong công tác này. Đồng thời, yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, và đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng chống dịch.
Con về giải pháp nhằm giảm chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh giữa các khu vực, Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại mạng lưới y tế, tiến hành xây dựng các bệnh viện tuyến cuối trên các địa bàn trọng điểm (Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ).
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; nâng cao số lượng, chất lượng nhân lực cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa, kết nối hỗ trợ khám chữa bệnh, điều trị trực tuyến,...".
Hồng NhuậnBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.