Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Việt Nam đối diện 3 khó khăn chính trong việc tiếp cận vaccine COVID-19'
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 80 triệu liều vaccine phòng COVID-19, song việc tiếp cận vẫn gặp không ít khó khăn.
GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, việc tiếp cận vaccine COVID-19 ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới chưa thể tự sản xuất được vaccine gặp không ít khó khăn. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ ra 3 khó khăn chính trong việc tiếp cận vaccine của Việt Nam:
Thứ 1, khó khăn chung lớn nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine. Chúng ta phải chấp nhận hầu hết các điều kiện mà các nhà cung ứng vaccine đưa ra như vấn đề thoả thuận bồi hoàn, miễn trừ về trách nhiệm, bảo mật thông tin và cả rủi ro liên quan đến giao hàng không đúng thời hạn.
Thứ 2, khan hiếm nguồn cung ứng vaccine trên toàn cầu ngay từ đầu cho đến bây giờ vẫn đang diễn ra. Hiện nay, ngay cả cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Thứ 3, các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vaccine như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3, do đó có sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vaccine làm chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: "Ngay như trong tháng 10 này mặc dù chúng ta có kế hoạch tiếp nhận vaccine với số lượng lớn, tuy nhiên nguồn cung chưa đảm bảo. Hiện đã giữa tháng 10, nhưng mới chỉ nhận được lượng vaccine đạt 20% so với kế hoạch".
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo rất quyết liệt để tăng tốc tìm kiếm nguồn cung vaccine COVID-19 cho Việt Nam.
Liên quan đến tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện nay, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã liên tục có các chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử tại hơn 12.000 điểm tiêm ở tất cả các tỉnh, thành phố, bao gồm cả điểm tiêm cố định và lưu động.
Bộ Y tế đã liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn, hội nghị trực tuyến, kiểm tra giám sát với các địa phương để đôn đốc triển khai chiến dịch tiêm chủng trên nguyên tắc đẩy nhanh bao phủ mũi 1, vaccine nào về thì tổ chức triển khai tiêm ngay, sau đó trả bù mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đến thời hạn.
Vì vậy, tốc độ tiêm vaccine của nước ta hiện nay ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới, có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày. Chúng tôi hy vọng có thể đạt mức cao hơn về số lượng mũi tiêm trong ngày".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý: "Tốc độ tiêm vaccine quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường, do đó Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo các địa phương phải tăng tốc tiêm chủng.
Nếu địa phương nào tiêm chủng chậm thì Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine đến địa phương có tốc độ tiêm đảm bảo yêu cầu".
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.