Bộ trưởng Công Thương: Việc điều chỉnh giá điện cần được tính toán, đánh giá đầy đủ
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô.
Ngày 15/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về dự án đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện, tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022-2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm nay.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu EVN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế điều chỉnh, cơ cấu biểu giá bán lẻ; cơ chế giá, thị trường và mua bán điện trực tiếp (DPPA). Những đề xuất này sẽ đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.
Đối với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ trưởng chỉ đạo EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
"Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định", ông Diên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các dự án điện và thị trường điện, cơ chế bán điện.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02, áp dụng khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; và giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Tức, khung giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017.
Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
Trước đó, EVN đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước lỗ hơn 30.000 tỷ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng. Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.
Huyền My (t/h)Tổng cục Hải quan dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 418.000-420.000 tỷ đồng, bằng 111,5%-112% dự toán được giao, tăng 13,4%-13,9% so với cùng kỳ năm 2023.