Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn TSMC

Đầu tư và Tiếp thị
01:51 PM 28/06/2024

Ngày 26/6 (theo giờ địa phương) tại Washington D.C (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã buổi tiếp Tiến sỹ Richard Lawton Thurston, nguyên Phó Chủ tịch TSMC, ông là một trong những chuyên gia bán dẫn phi kỹ sư hàng đầu tại Hoa Kỳ và đã hỗ trợ nhiều công ty và chính phủ trong việc thành lập và quản lý các khu công nghệ trên khắp thế giới.

Tại buổi làm việc, TS Richard Lawton Thurston đánh giá Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt khi có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, được đào tạo tốt. Ông cho biết công nghệ AI cần nhiều công nghệ khác nhau như cảm biến, bộ nhớ, thu thập và xử lý dữ liệu... Vì vậy, Việt Nam có thể chọn một trong các công đoạn để tập trung phát triển và xây dựng chiến lược cho riêng mình.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kể từ sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cả hai nước đã tích cực thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong các nội dung hợp tác tại Tuyên bố chung, Việt Nam - Hoa Kỳ thống nhất hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực về bán dẫn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là hai lĩnh vực Việt Nam chủ trương tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển trong dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn TSMC - Ảnh 1.

TS Richard Lawton Thurston đánh giá Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt khi có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, được đào tạo tốt.

Để sẵn sàng cho việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu huy động các nguồn lực Nhà nước và xã hội để tập trung đào tạo chuyên sâu 1.300 giảng viên và 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, hình thành 4 Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 Phòng Thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn.

Việc phát triển bán dẫn tại Việt Nam hiện nay có một số thuận lợi như sau: (i) Sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, có sự tham gia và đồng hành của địa phương, doanh nghiệp; (ii) Việt Nam có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao; (iii) Việt Nam có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với các chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm và với cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho các đối tác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn TSMC - Ảnh 2.

Bộ trưởng cũng đề nghị ông Thurston thúc đẩy TSMC đầu tư tại Việt Nam và mời ông Thurston làm cố vấn cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng đề nghị Tiến sỹ chia sẻ về kinh nghiệm, thực tiễn phát triển công nghiệp bán dẫn; những khuyến nghị để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển bán dẫn tại Việt Nam. Ông cũng đề nghị Tiến sỹ hỗ trợ kết nối với TSMC cũng như gợi ý các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với TSMC.

Bộ trưởng cũng đề nghị ông Thurston thúc đẩy TSMC đầu tư tại Việt Nam và mời ông Thurston làm cố vấn cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Thurston khẳng định sẽ hợp tác, hỗ trợ triển khai các đề nghị của Bộ trưởng và nhận lời làm cố vấn cho Việt Nam trong xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn