Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Cần có những điều chỉnh trong việc mở cửa trường học an toàn'
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, với khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các kinh nghiệm của các nước trong phòng chống dịch, đây là lúc chúng ta cần có những điều chỉnh trong việc mở cửa trường học an toàn.
Sáng 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Chủ trì tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh. Tại các điểm cầu 63 tỉnh thành có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố; giám đốc, phó giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo, sở Y tế, các sở ngành liên quan của địa phương, lãnh đạo UBND cấp quận huyện.
Hội thảo nhằm đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả; cơ sở khoa học và thực tiễn của việc mở cửa trường học an toàn phòng, chống dịch. Đồng thời, bàn giải pháp thúc đẩy việc mở cửa trường học an toàn phòng, chống dịch tại các địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, thời gian qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành Giáo dục đã tổ chức, điều chỉnh các hoạt động dạy và học để thích ứng. Nhiều nơi đã tổ chứ dạy học một cách linh hoạt, kết hợp giữa dạy học trực tiếp với trực tuyến và trên truyền hình.
Tuy nhiên, việc trẻ em không được đến trường trong thời gian dài, hoặc đến trường rất ít không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề tâm sinh lý của trẻ và có những tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, khi tỉ lệ tiêm vaccine đạt đến một tỉ lệ rất cao, các điều kiện về thuốc chữa đã có những cải thiện, điều kiện phòng chống dịch và hiểu biết của người dân về phòng chống dịch đã được nâng cao; các địa phương đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch… thì việc từng bước mở cửa trường học là cần thiết.
“Với khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các kinh nghiệm của các nước trong phòng chống dịch, đây là lúc chúng ta cần có những điều chỉnh trong việc mở cửa trường học an toàn”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, diễn biến dịch bệnh thay đổi thì sự ứng phó cũng phải luôn điều chỉnh linh hoạt. Thực tế rất sinh động, nên việc ở từng thời điểm, để thích ứng một cách hiệu quả là một việc tất yếu của quá trình phòng chống dịch.
Theo Bộ trưởng, thông qua hội thảo, Bộ GDĐT muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn cho nhóm trẻ em được đến trường học trong thời gian qua, cũng như quan điểm của Bộ Y tế, để có những ý kiến, hành động mới để sớm mở cửa trường học thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Tại hội thảo trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) cho rằng việc tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của học sinh, nhà giáo và cả các phụ huynh.
Ông Đề thấy rằng cần mạnh dạn mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới. TP HCM, tâm dịch trong đợt bùng phát lần thứ tư, đã tiến hành mở cửa trường từng bước. Sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đi học trực tiếp vào đầu tháng 11/2021, thành phố cho học sinh khối 9 và 12 đến trường, sau đó là các khối 7, 8, 10, 11. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ đến trường của học sinh đạt từ 92% đến 96% tuỳ từng khối. Sở hiện đã đề xuất dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ 7/2.
Ông đề nghị ngành giáo dục các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng kịch bản chi tiết, đón học sinh trở lại, đồng thời cần truyền thông, tư vấn cho cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 70.000 sinh viên năm cuối chưa thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng do thiếu các yêu cầu về thực tập, thực hành năm cuối, điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực cho đất nước.
Cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội, theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ GDĐT, Bộ Y tế.
HM (T/h)Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) vừa công bố báo cáo điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho cả năm 2024 lên mức 6,4%.