Bộ trưởng Nông nghiệp lý giải vì sao cả ngành chăn nuôi thiệt hại 80.000 tỷ đồng nhưng không được hỗ trợ 30.000 tỷ như Vietnam Airlines?
Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm và đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan
Tại tọa đàm "Đối thoại cùng các 'vua nông sản' Việt" do báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 26/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan đã cùng đại diện các doanh nghiệp lớn thảo luận về những khó khăn trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, đồng thời tìm hướng tăng giá trị nông sản Việt.
Một câu hỏi được đặt ra cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan đó là: "Riêng ngành chăn nuôi đã thiệt hại 80.000 tỷ đồng. Có những doanh nghiệp lớn đã nhận được hỗ trợ từ nhà nước, vậy ngành chăn nuôi có được hỗ trợ gì không?".
Bên cạnh đó, một nông dân trẻ cũng gửi lời tới Bộ trưởng: "Chào Bộ trưởng Bộ NN & PTNN, trong đại dịch vừa qua ai cũng khó khăn nhưng những người nông dân, người chăn nuôi như cháu càng khó khăn hơn. Để nhận được tiền hỗ trợ từ nhà nước thì thủ tục khá rườm rà. Mong Bộ trưởng đề đạt với Chính phủ, xem xét giảm tiền điện hoặc giảm lãi suất ngân hàng để giúp những người chăn nuôi như cháu. Việc giảm lãi suất giúp ích rất nhiều cho quá trình cháu tái đàn trở lại".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trước đó, ông cũng nhận được câu hỏi: Vì sao hãng hàng không Vietnam Airlines nhận được gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng, ngành nông nghiệp còn thiệt hại nhiều hơn thế mà không được hỗ trợ?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại cùng các doanh nghiệp ngành nông nghiệp.
"Bộ Nông nghiệp đang làm kiến nghị, một phân loại gói hỗ trợ cho những thiệt hại về nông nghiệp. Chúng tôi đang tập hợp nhưng khó một điều là ngành chăn nuôi lợn không giống như Vietnam Airlines.
Với Vietnam Airlines, tất cả những vấn đề thiệt hại chỉ gói gọn trong doanh nghiệp và rất rõ ràng, ngưng bao nhiêu chuyến. Nhưng ngành chăn nuôi của chúng ta, nói rộng ra là ngành nông nghiệp, rất khó để lượng hóa thiệt hại.
Tôi nói ví dụ, doanh nghiệp thì có sổ sách để mà chứng minh. Còn những người nuôi heo 5-7 con, tôi không biết làm sao để mà tính. Nếu quý vị biết có thể giúp tôi cái này", Bộ trường trả lời.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến luật bảo hiểm mà Quốc hội đang thảo luận, trong đó có bảo hiểm phi nhân thọ. Ở nước ngoài, không có việc nhà nước hỗ trợ mà chỉ có bảo hiểm. Tại Việt Nam, từ năm 2018 đã có Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp nhưng tới nay vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Ông Lê Minh Hoan giải thích: "Bởi vì lẽ người nông dân của chúng ta không quen việc mua bảo hiểm, cần gì thì nhờ nhà nước hỗ trợ. Thứ hai là những người bán bảo hiểm nông nghiệp cũng không có công đâu mà đến từng người nông dân nhỏ, nuôi vài ba con lợn, trồng một ít lúa để chào bán bảo hiểm. Thứ ba, thiệt hại bảo hiểm trong nông nghiệp rất mong manh để định giá xem nguyên nhân là cái gì, do thị trường hay thời tiết, dịch bệnh hay do người nông dân không sản xuất theo đúng quy trình. Mà nếu nói vậy cũng tội cho người nông dân.
Một gói chỉ dừng lại ở hỗ trợ cho hợp tác xã, cho các doanh nghiệp nông nghiệp thì tiền điện, tiền nước đã nằm trong gói đó. Và đúng là còn rất nhiều nông dân theo mô hình cá thể bên ngoài, chúng tôi cũng biết họ thiệt hại, nhưng mà để tính hỗ trợ thì rất khó".
Bộ trưởng ví dụ về một trường hợp mà ông vừa mới đi thăm, để thấy được tính phức tạp của việc hỗ trợ.
Một chuồng lợn người ta nuôi 50 con, 20 con đầu bán lúc giá mới 30.000 đồng/kg hơi, mà chi phí đầu vào 35.000 đồng/kg thì tức đã bị thiệt hại. Nhưng mấy ngày nay giá đã tăng 50.000 đồng/kg, 30 con còn lại bán với giá này. Ngay trong một sản lượng, xét xem phần nào thiệt hại hay không cũng đã khó tính toán. Vì thế, Bộ trưởng hy vọng người nông dân cũng hiểu cho nhà nước.
Đồng thời, ông khuyên người nông dân nên đăng ký doanh nghiệp. "Tôi muốn nói với nông dân, chúng ta làm gì cũng phải đăng ký doanh nghiệp. Mình có một pháp nhân, để sau này những vấn đề về tín dụng, hỗ trợ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ rủi ro,… nó có một cái địa chỉ. Ví dụ như doanh nghiệp của anh Võ Quan Huy (hay "vua" chuối) thiệt hại bao nhiêu có thể biết được, nhưng những người trồng chuối xung quanh trang trại đó thì sao nhà nước biết được".
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.