Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải việc sách giáo khoa lớp 1 có giá cao
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết giá SGK mới cao gấp đôi do chất lượng tốt hơn.
Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó vấn đề Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 nhận được sự quan tâm đông đảo của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Theo đó, trao đổi lại ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng giá bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện nay cao hơn bộ sách cũ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng nhận định này đúng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo tất cả nhà xuất bản các bộ sách đều phải rà soát lại việc biên soạn, xuất bản sách. Sách giáo khoa cũng sẽ được chỉnh sửa, bổ sung thường xuyên và sau 1 năm ban hành, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dạy và học, Bộ sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện SGK.
Trả lời những ý kiến cho rằng giá thành SGK lớp 1 còn cao, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ sách được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không được trợ cấp về biên soạn nên chi phí biên soạn cũng được tính trong giá thành sách.
Bộ cũng đã đề nghị giảm chi phí giá thành, NXB cũng đã giảm 2-3 lần, trình bày phương án giá, Bộ Tài chính cũng đã xem xét và chấp thuận.
Bên cạnh đó, SGK có số trang dài hơn, chất lượng tốt hơn, màu tốt hơn, vì thế giá thành cao hơn. Ông Nhạ tính toán giá bộ sách lớp 1 theo chương trình mới cao hơn khoảng 2 lần so với bộ sách cũ.
"Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng được Nhà nước định giá, bình ổn giá", Bộ trưởng nói.
Giải trình trước ý kiến học sinh bắt buộc mua sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin, trong thực tế SGK là tài liệu được sử dụng chính thức và bắt buộc, còn tài liệu tham khảo hay sách tham khảo không phải bắt buộc trong nhà trường. Sách tham khảo là do NXB xuất bản theo đợt và Giám đốc NXB chịu trách nhiệm quản lý ấn phẩm này.
Bộ đã chỉ đạo không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm vấn đề này và Bộ đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức thanh tra, chấn chỉnh và tiếp tục hoàn thiện chế tài theo hướng quản lý chặt sách tham khảo.
Hoài ThươngTại dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm, ưu tiên các dự án sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.