Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải về đề xuất 'xả nhiều rác, phải trả nhiều tiền'

Sự kiện
06:00 PM 13/06/2020

Ngày 12/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi về việc dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua có quy định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo khối lượng, kg.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

"Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về việc dự kiến việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng. Có nghĩa ai xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn theo dự Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)?", báo chí đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng có nghĩa là không đánh đều bình quân, thu theo kiểu 10.000 - 20.000 đồng/hộ mà phải tính dựa trên lượng rác. Lượng rác có thể đo bằng khối lượng, bằng thể tích. Bao bì tính bằng m3 rác, nên theo thể tích là phù hợp hơn.

"Còn tính theo lượng có nghĩa là hộ xả ra nhiều, tức khối lượng và thể tích nhiều thì phải trả tiền nhiều, chứ không đánh đều trung bình, bình quân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Về bao bì để đo lượng rác, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiều cách thực hiện, nhiều nước tính tiền rác qua bao bì. Khi thực hiện phân loại rác, các loại với màu sắc, mỗi bao bì chứa được khoảng thể tích nào đó và dựa vào lượng rác trên bao bì, người ta tính tiền bán bao bì và tiền thu rác.

Với câu hỏi "xả nhiều rác phải trả nhiều tiền được thiết kế thế nào trong Luật”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết vấn đề này sẽ chỉ đưa ra nguyên tắc. Sau đó HĐND các địa phương sẽ quy định cụ thể.

"Việc này có thể cụ thể hóa bằng Nghị định, Thông tư, chứ không cần thiết đưa vào chi tiết là bao bì mua bán thế nào khi đưa ra dự Luật này.

Dự Luật chỉ cần nói nguyên tắc là không tính tiền xử lý rác một cách "đổ đồng" mà trên cơ sở người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn. Tức là dựa trên lượng rác, thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì. Còn việc quy định màu nào, chia bao nhiêu loại túi, cách tính toán thế nào thì sẽ do văn bản dưới Luật hướng dẫn", ông Hà nói.

Tại Việt Nam, không ít người có thói quen vứt rác vừa bãi, có khi vứt trộm nữa, việc này liệu có thực thi được, hay lộ trình thực hiện việc ra sao?. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, Hàn Quốc mất 10 năm để thực hiện được chính sách này.

Ông cho rằng: "Thực thi được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp thực tế. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm người dân phân loại đến trách nhiệm người thu gom thế nào. Tức là phải có sự đồng bộ giải pháp từ người dân, cho đến khâu cuối cùng là xử lý trên chặng đường thu gom, phân loại”.

Cũng theo ông Trần Hồng Hà, quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không? Vì đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết vấn đề bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Nếu người dân nhận thức đầy đủ, người dân ủng hộ thì sẽ thành công. Còn Nhà nước đảm bảo các điều kiện để khi người dân phân loại thì có chính sách khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này và người dân cũng được thụ hưởng qua việc phân loại đó.

Nhà nước cũng phải đầu tư ngay để đảm bảo tính đồng bộ từ quá trình vận chuyển, đã phân loại thì phải phân loại từ vận chuyển và phải đến công nghệ xử lý khác nhau với các loại rác khác nhau. Loại tái chế, tái sử dụng thì tách riêng ra; xử lý có nhiều công nghệ xử lý như đốt, đưa thành nhiệt năng, xử lý bằng cách biến thành thực phẩm sinh khối, biến thành khí… phải đồng bộ.

Đồng thời, trong quá trình này, vai trò tuyên truyền của báo chí là rất quan trọng. “Ta có nhiều mô hình khác nhau nhưng làm sao lan tỏa để bà con hiểu làm việc này phải đi vào thực chất. Xả rác ra thì phải có sự giám sát của người dân chứ không thể chỉ cơ quan nhà nước giám sát”, Bộ trưởng gửi gắm.

Đối với lo ngại chính sách này có làm tăng chi phí rác thải của người dân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định ngược lại rằng người dân sẽ hưởng lợi khi phân loại rác.

Bởi có những loại rác không phải là rác như giấy, chai lọ... nếu người dân phân loại thì không phải trả tiền mà chỉ trả tiền những loại rác cần đầu tư xử lý. Ngoài ra, người thu gom sẽ tính toán phù hợp với điều kiện của người dân, có những sản phẩm được thu gom không phải là chất thải thì người dân được hưởng lợi từ khoản do người thu gom, nhà kinh doanh trả lại

Anh Thư
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.