Bộ trưởng Xây dựng: Sẽ xử lý hình sự chủ đầu tư chây ì cấp sổ hồng
Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ quyết liệt với chủ đầu tư bàn giao nhà nhưng chậm cấp sổ, thậm chí chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 9/11, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận có hiện tượng một số chủ đầu tư bất động sản chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người mua nhà.
"Đúng là có sự chậm trễ như đại biểu phản ánh, tuy rằng số lượng không nhiều. Theo thống kê của chúng tôi, số vụ tranh chấp về vấn đề này chỉ chiếm 2% trong tổng số tranh chấp về nhà chung cư. Tuy nhiên, số lượng người dân, hộ dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, vấn đề này cần được tập trung giải quyết", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 50 ngày kể từ khi bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư phải thực hiện làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người mua. Chế tài xử phạt cho hành vi chậm trễ có thể lên tới 1 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm trễ này có hai loại. Thứ nhất là chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Hai là dù đã thực hiện đủ các thủ tục nhưng vẫn cố tình chây ì trong việc cấp quyền cho người dân.
"Về giải pháp, đối với những dự án mà chủ đầu tư cố tình chây ì việc cấp quyền sở hữu đất và sở hữu nhà ở cho người mua, đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo quy định về xử phạt hành chính. Nếu như chủ đầu tư vẫn tiếp tục cố tình chây ì, thì chuyển sang các cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự", Bộ trưởng cho hay.
Đối với các dự án còn thiếu thủ tục pháp lý, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương có rà soát và đánh giá cụ thể, báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng để phối hợp giải quyết.
"Hai bộ đã phối hợp giải quyết được một số vấn đề tương tự như thế này tại Hà Nội", Bộ trưởng Hà thông tin.
Về giải pháp căn cơ, theo Bộ trưởng, cần điều chỉnh quy định của pháp luật về việc nghiệm thu nhà ở, công trình xây dựng; sửa đổi một số điểm của nghị định hướng dẫn luật kinh doanh bất động sản để đảm bảo việc cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người dân được chặt chẽ hơn.
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời về vấn đề quy hoạch treo. Trong đó, Bộ trưởng cho biết để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2021 có quy định: nếu kế hoạch xây dựng cấp huyện sau 3 năm không triển khai, người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo và thậm chí là xây mới. Hết thời hạn quy hoạch, người dân sẽ tiếp tục được thực hiện cải tạo, xây mới nhà ở.
"Đây là bước đầu để giải quyết một phần nhu cầu cải tạo, xây dựng nhà ở của người dân trong vùng quy hoạch treo", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng cho biết, quy hoạch treo được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được toàn bộ, hoặc một phần theo tiến độ đã được xác định. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng quy hoạch thấp, xác định chưa chính xác một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch, không lập đầy đủ các loại quy hoạch liên quan, không xác định đầy đủ nguồn lực để thực hiện đồng bộ các dự án.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân chủ quan xuất phát từ việc tổ chức quản lý sau khi công bố quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Một số địa phương vẫn còn chủ quan trong việc phát triển đất đô thị, chưa tính toán đầy đủ, chính xác nguồn lực phát triển.
Bộ trưởng cho biết để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đã ban hành một số quy chuẩn cốt lõi để phục vụ công tác quy hoạch, hoàn thành xây dựng cổng thông tin quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch sửa đổi đã có một số quy định mới về việc lập, điều chỉnh quy hoạch, bãi bỏ một số quy hoạch không phù hợp...
"Các địa phương cũng đã tích hơn trong rà soát quy hoạch chung, chi tiết, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật", Bộ trưởng thông tin.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Xây dựng, TP.HCM đã rà soát hơn 250 quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thu hồi 176 dự án treo; Đà Nẵng rà soát 1.007 quy hoạch chi tiết, xử lý 201 dự án treo; còn Hà Nội rà soát 78 quy hoạch phân khu, 67 quy hoạch chi tiết.
"Tình trạng quy hoạch treo đã giải quyết được một phần, nhưng vẫn cần tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ hơn", tư lệnh ngành xây dựng nhấn mạnh.
Mỹ UyênTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.