Bộ xây dựng đang trình dự thảo sửa đổi quy định về cải tạo chung cư cũ
Bộ Xây dựng đang chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (NĐ101).
Trong đó, nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập gây cản trở việc cải tạo, nâng cấp nhà chung cư cũ hàng chục năm qua.
Hiện, các cư dân chung cư cũ vẫn đang muốn đền bù với hệ số cao gấp 1,5 hoặc 2 lần về diện tích, trong khi các doanh nghiệp lại không chấp nhận vì các khu chung cư cũ thường nằm ở vị trí trung tâm nên bị hạn chế tầng cao, không đảm bảo lợi nhuận đầu tư. Do đó, Bộ Xây dựng cần xem xét tiếp thu các ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp để thống nhất hệ số đền bù chung, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại với các nhà chung cư cũ hư hỏng cấp D (rất nguy hiểm). Thay vì phải 100% đồng thuận như các quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, các cơ quan chức năng cần thực hiện cưỡng chế khi có từ 50% chủ sở hữu chấp thuận phương án. Đối với các chung cư không phải cấp D, chủ đầu tư cũng được phá dỡ nếu có trên 70% cư dân đồng thuận. Với việc lựa chọn chủ đầu tư, các doanh nghiệp, địa phương mong muốn Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư cấp C (nguy hiểm cục bộ) là 70%-80%.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ nhưng đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 1% chung cư cũ được cải tạo sau hơn 20 năm thực hiện kế hoạch. Tương tự, tại TPHCM, sau 5 năm thực hiện chương trình hành động chỉnh trang đô thị với mục tiêu cải tạo 50% chung cư cũ, đến nay mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới và 3 chung cư đang thi công dang dở.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến chương trình cải tạo chung cư cũ khó thực hiện đầu tiên là do cơ chế, nhất là quy định nhận được sự đồng thuận của 100% cư dân. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quy định này không phù hợp thực tiễn, nên cần sửa đổi hoặc có cơ chế thí điểm đặc thù về tỷ lệ khi quy định chỉ cần trên 50% tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý là có thể cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ.
Mới đây, UBND Tp.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung sửa đổi quy định của pháp luật theo 2 phương án áp dụng cho trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm. Theo đó, Nhà nước sẽ thực hiện cưỡng chế khi có từ 50% chủ sở hữu chấp thuận phương án; các chủ sở hữu bị cưỡng chế sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền theo giá trị trung bình của các chủ sở hữu đã chấp thuận. Đối với việc lựa chọn chủ đầu tư, UBND Tp.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư cấp C (nguy hiểm cục bộ) là 80%.
Bảo AnhKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.