Bộ Y tế ban hành giá xét nghiệm COVID-19 mới: Giảm cao nhất khoảng 30% so với trước
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 21/2 này, mức giá trần mới sẽ giảm cao nhất khoảng 30% so với giá hiện hành.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02 quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2. Thông tư mới nhất này thay thế Thông tư 16 về mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 21/2, mức giá trần mới sẽ giảm cao nhất khoảng 30% so với giá hiện hành. Cụ thể:
Mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 có mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.
Trong khi đó, mức giá theo quy định hiện hành ở Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm. Như vậy mức giá mới sẽ giảm khoảng 30% so với giá đang thực hiện.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn, Bộ Y tế quy định, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm.
Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR (mẫu đơn), mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm.
Trường hợp gộp mẫu, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho phản ứng theo quy định, trong đó sinh phẩm xét nghiệm cho phản ứng được chia đều theo số mẫu gộp. Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và các cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện dịch vụ y tế dự phòng: mức giá thực hiện theo quy định như trên.
Một số hướng dẫn về thanh toán giá xét nghiệm SARS-CoV-2. Trường hợp cơ sở y tế chuyển mẫu bệnh phẩm sang cơ sở y tế khác đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm:
Đối với trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT: thực hiện thanh toán đối với trường hợp chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
Trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán theo mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 của đơn vị thực hiện xét nghiệm theo quy định tại Thông tư này và chi phí mua sinh phẩm xét nghiệm của đơn vị thực hiện xét nghiệm theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp việc lấy mẫu hoặc thực hiện xét nghiệm có sử dụng vật tư, sinh phẩm xét nghiệm được cấp từ nguồn phòng, chống dịch do ngân sách Nhà nước bảo đảm hoặc được các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tài trợ, cấp không thu tiền thì cơ sở y tế của Nhà nước phải trừ chi phí vật tư, sinh phẩm xét nghiệm được hỗ trợ khi thu của người sử dụng dịch vụ, khi thanh toán, quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, trường hợp chi phí thực hiện xét nghiệm cao hơn mức giá tối đa quy định tại Thông tư này, cơ sở y tế của Nhà nước được quyết toán vào nguồn kinh phí giao tự chủ, nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị và không được thu của người sử dụng dịch vụ xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng quy định, trường hợp mẫu gộp phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm để phát hiện mẫu dương tính thì chi phí thực hiện xét nghiệm được tính tiếp theo từng trường hợp cụ thể bảo đảm nguyên tắc không trùng lặp về chi phí đã thực hiện.
HM (T/h)Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.