Bội chi ngân sách năm 2020 có thể lên đến 5,59% GDP

Đầu tư và Tiếp thị
08:45 AM 16/10/2020

Trong trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì ước bội chi sẽ tăng lên khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.

Quốc hội quyết định bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 dưới 4% GDP, nhưng trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp của ngân sách trung ương, thì bội chi NSNN năm 2020 khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.

Bội chi ngân sách năm 2020 có thể lên đến 5,59% GDP - Ảnh 1.

Trường hợp rủi ro này đã được Chính phủ tính đến, trong một báo cáo vừa gửi đến Quốc hội.

Ký báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tâm lý tiêu dùng của xã hội, từ đó tác động đến số thu NSNN năm 2020.

Ước cả năm 2020, thu cân đối NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương giảm dự toán khoảng 126,5 nghìn tỷ đồng ; thu ngân sách địa phương về tổng thể hụt khoảng 62,7 nghìn tỷ đồng so dự toán, không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì hụt khoảng 95 nghìn tỷ đồng.

Dự toán chi cân đối NSNN năm 2020 là 1.747,1 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng ước đạt 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt gần 269,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán; chi trả nợ lãi đạt gần 80,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên đạt 756,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Khi chưa có Covid-19, Quốc hội quyết định dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 là 234,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương là 217,8 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 17 nghìn tỷ đồng.

Đối với ngân sách trung ương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau khi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 chuyển sang khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng , thực hiện các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi khoảng 17,2 nghìn tỷ đồng để đảm bảo cân đối, thì dự kiến bội chi ngân sách trung ương tăng khoảng 95 nghìn tỷ đồng so dự toán. Bội chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2020 khoảng 5 nghìn tỷ đồng, giảm 12 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Tổng hợp chung, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2020 ước khoảng 319,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99% GDP. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn nhiều, nếu không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, dự kiến đến ngày 31/12/2020, so với GDP ước thực hiện, nợ công bằng khoảng 56,8%, nợ Chính phủ bằng khoảng 50,8%. Việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ cho cân đối ngân sách nhà nước được điều hành, quản lý trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

Thời gian qua, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhiều chính sách đã được ban hành như:

- Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch và các vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô;

- Gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020;

- Nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020

- Điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng từ ngày 01/8/2020 đến hết 31/12/2020;

- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg giảm tiền thuê đất năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.


Minh Anh
Ý kiến của bạn