Bồi dưỡng và nâng cao văn hóa ứng xử, Học viện Chính trị theo quan điểm văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh
Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao và chiều sâu trình độ phát triển của một dân tộc, mà còn vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”, “còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”(1).
Văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân là một trong những "lát cắt" quan trọng phản ánh văn hóa cộng đồng. Văn hóa ứng xử được lưu giữ trên cơ sở có sự tiếp biến trong mỗi thế hệ và các giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù xã hội thay đổi, nhưng văn hóa - giao tiếp ứng xử luôn có tầm quan trọng đặc biệt, bởi nó thể hiện triết lý sống, tư duy, hành động của một cộng đồng trong ứng xử và giải quyết những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, với xã hội.
Hệ 1, Học viện Chính trị (HVCT) là nơi đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, bồi dưỡng nhân tài cho quân đội và quốc gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một trong những đơn vị điểm toàn diện của HVCT, với đối tượng quản lý đào tạo chính ủy cấp trung (lữ) đoàn cho toàn quân, văn hóa ứng xử luôn được quan tâm cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.
Những năm qua, thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và giáo dục, bồi dưỡng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh nói riêng, Hệ 1, HVCT đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về việc bồi dưỡng, nâng cao văn hóa ứng xử của học viên theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, các chủ thể đã nhận thức đúng đắn việc nâng cao văn hóa ứng xử là việc làm cần thiết nhằm giữ gìn, phát huy phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.
Nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng tập trung theo hướng đáp ứng những đặc trưng cơ bản văn hóa ứng xử của học viên như: ứng xử trên tinh thần đoàn kết gắn bó với tình đồng chí đồng đội, ứng xử dựa trên nền tảng mục tiêu, lý tưởng cách mạng, ứng xử theo điều lệnh, lễ tiết tác phong quân nhân; ứng xử theo tinh thần "tôn sư, trọng đạo", ứng xử với tinh thần ham học, cầu tiến bộ, hoàn thiện nhân cách theo mục tiêu đào tạo; góp phần quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách của người quân nhân cách mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, trong hoạt động nâng cao văn hóa ứng xử theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Một số cán bộ lớp còn có những biểu hiện lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong hoạt động này. Nội dung, biện pháp có lúc còn chưa sâu sắc, vận dụng văn hóa ứng xử chưa thật sự cụ thể, còn chậm đổi mới. Một số học viên có thái độ chưa đúng, trách nhiệm chưa cao trong tự bồi dưỡng nâng cao văn hóa ứng xử, cá biệt một số học viên còn vi phạm phải xử lý kỷ luật.
Trước yêu cầu xây dựng đội ngũ chính ủy trung (lữ) đoàn trong quân đội nhân dân Việt Nam vừa hồng, vừa chuyên, là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở; thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội về chính trị. Thời gian tới để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung và chất lượng giáo dục, bồi dưỡng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh nói riêng cho học viên Hệ 1, Học viện Chính trị, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là: Tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng đối với nâng cao chất văn hóa ứng xử của học viên.
Đây là giải pháp hàng đầu để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động của các chủ thể, các lực lượng trong nâng cao văn hóa ứng xử, làm cho quá trình nâng cao văn hóa ứng xử thành quá trình tự giác, tích cực, chủ động của các chủ thể, các lực lượng và mỗi cán bộ, học viên. Đó là quá trình làm cho các chủ thể, các lực lượng và mỗi cán bộ, học viên biết trân trọng những yếu tố văn hóa, lựa chọn những giá trị văn hóa phù hợp, biết xác định đúng và phát triển những quan hệ trong tập thể đơn vị, hiểu rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của nâng cao văn hóa ứng xử trong xây dựng đơn vị, xây dựng và bồi dưỡng nhân cách người cán bộ, học viên.
Hai là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Chỉ huy Hệ, cấp ủy các lớp trong nâng cao văn hóa ứng xử của học viên hiện nay
Hoạt động lãnh đạo của các Đảng ủy, Ban chỉ huy Hệ có vai trò quan trọng, định hướng đối với công tác nâng cao văn hóa ứng xử; có ý nghĩa quyết định đến kết quả xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và nâng cao văn hóa ứng xử trong toàn Hệ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban chỉ huy Hệ, cấp ủy các lớp trong nâng cao văn hóa ứng xử của học viên phải toàn diện, thiết thực, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị VMTD.
Ba là: Phát huy vai trò của học viên Hệ 1 trong nâng cao văn hóa ứng xử theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh hiện nay
Giải pháp này vừa mang tính đột phá, vừa có ý nghĩa quyết định đến bồi dưỡng nâng cao văn hóa ứng xử của học viên Hệ 1 theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh hiện nay. Học viên Hệ 1 vừa là khách thể, vừa là chủ thể bồi dưỡng nâng cao văn hóa ứng xử. Cho nên, học viên Hệ 1 có vai trò rất quan trọng trong tự bồi dưỡng nâng cao văn hóa ứng xử cho bản thân mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Phải biết tự động học tập", đây là một yêu cầu không thể thiếu của người quân nhân cách mạng, nhất là mỗi học viên. Người thường nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tự đấu tranh, tự tu dưỡng, cải tạo, tự làm một cuộc cách mạng trong bản thân mình một cách bền bỉ "cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
Bốn là: Xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh và các điều kiện bảo đảm cho bồi dưỡng văn hóa ứng xử của học viên theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.
Thực hiện tốt giải pháp này có tác động tích cực đến bồi dưỡng nâng cao văn hóa ứng xử của học viên theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh. Xây dựng MTVH quân sự lành mạnh là tổng thể các hoạt động tích cực, sáng tạo có mục đích của lãnh đạo, chỉ huy và mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn Hệ, nhằm tạo lập và phát triển những yếu tố, giá trị của MTVH ở Hệ để bồi dưỡng văn hóa ứng xử của học viên theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.
Năm là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong nâng cao văn hóa ứng xử của học viên Hệ 1, Học viện Chính trị hiện nay.
Phát huy sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng trong nâng cao văn hóa ứng xử của học viên là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến chất lượng lãnh đạo, hiệu quả công tác xây dựng MTVH và nâng cao chất lượng văn hóa ứng xử của học viên. Trong đó cần nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng; phát huy tính tiền phong gương mẫu của cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên trong thực hiện nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân đề ra chương trình hành động cụ thể.
Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, duy trì và giữ vững dân chủ, kỷ luật, phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra. Phải gắn hoạt động xây dựng và bồi dưỡng văn hóa ứng xử với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị; kết quả nâng cao văn hóa ứng xử của học viên phải được coi như là một tiêu chuẩn để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Bồi dưỡng nâng cao văn hóa ứng xử của học viên Hệ 1, HVCT theo văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh hiện nay là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng, phát triển phẩm chất, năng lực của người học viên thời kỳ mới. Trong đó những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng luôn là cơ sở, nền tảng để học viên HVCT hoàn thiện nhân cách của mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong Học viện, thực hiện tốt phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị".
- (1) "Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021).
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị kết nối với sân bay Nội Bài sẽ được khởi động trong năm 2024 - 2025, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2034; đoạn tuyến 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài đưa vào khai thác sử dụng năm 2030.