Bốn mũi nhọn đưa Hậu Giang lên tầm cao mới

Địa phương
11:33 AM 30/03/2022

Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang ban hành ngày 26/11/2021 đưa ra 4 trụ cột để phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, 4 lĩnh vực gồm: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch sẽ được Hậu Giang tập trung đẩy mạnh. Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, về những bước khởi đầu của kế hoạch này trong 2 tháng đầu năm 2022.

Bốn mũi nhọn đưa Hậu Giang lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.

Phóng viên: Ngay sau Tết Nguyên đán, lãnh đạo tỉnh đã tỏa đi khắp nơi để triển khai các chương trình lớn của Nghị quyết 04-NQ/TU. Đến nay, việc triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Trên cơ sở Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/12/2021 về thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy.

Từ khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 213 của UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt để đưa nghị quyết đi vào thực tế. Cụ thể: Từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp và làm việc cụ thể với các ngành có liên quan và địa phương để định hướng các đơn vị xây dựng kế hoạch trên từng lĩnh vực.

Ngày 16/02/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa làm việc với các sở, ngành và địa phương liên quan đến kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về lĩnh vực phát triển công nghiệp.

Ngày 17/2/2022, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành, địa phương về lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 18/2/2022 lại tiếp tục họp cùng các tổ chức, đơn vị về lĩnh vực du lịch… Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, tỉnh vừa ăn Tết vừa sắp xếp các cuộc họp. Có đến 90 cuộc họp trong 2 tháng đầu năm, bình quân 2 cuộc họp/ngày đủ thấy sự quyết tâm của địa phương trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Bốn mũi nhọn đưa Hậu Giang lên tầm cao mới - Ảnh 2.

Một góc TP. Vị Thanh - tỉnh Hậu Giang.

Phóng viên: Nông nghiệp luôn là thế mạnh của tỉnh Hậu Giang. Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19. Tình hình đầu năm nay thế nào, thưa ông?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Tình hình sản xuất nông nghiệp đầu năm nay đạt kết quả tốt. Diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản đáp ứng tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ trong tỉnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Lúa Đông Xuân: Xuống giống được 76.626 ha, đạt 100,6% kế hoạch. Lúa Hè Thu: Xuống giống được 2.517 ha, đạt 3,3% kế hoạch. Mía niên vụ 2021 - 2022 hiện nay đã xuống giống được 3.114 ha. Rau màu các loại: Xuống giống được 10.692 ha, đạt 41,9% kế hoạch (kế hoạch 25.500 ha), tăng 24,9% so với cùng kỳ; trong đó, cây rau đậu là 9.651 ha, cây bắp là 819 ha, cây có chất bột là 222 ha.

Tổng diện tích cây ăn trái 43.350 ha, đạt 96,3% kế hoạch (kế hoạch là 45.000 ha), tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó: Cây có múi là 13.184 ha, xoài 3.124 ha, mít 8.421 ha, mãng cầu 693 ha, khóm 2.908 ha, còn lại cây ăn trái khác 14.935 ha. Tổng sản lượng 502.547 tấn, đạt 93,1% kế hoạch (kế hoạch 540.000 tấn), tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có: Đàn heo 141.127 con, tăng 14,5% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 4.193 ngàn con, giảm 4,2% so với cùng kỳ; đàn trâu bò 4.924 con, giảm 3,9% so với cùng kỳ.

Tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh được 72,4 ha, tăng 2,55% so với cùng kỳ; lũy kế được 1.996 ha, đạt 23,1% kế hoạch (kế hoạch 8.650 ha), tăng 1,8% so với cùng kỳ, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 10.910 tấn, tăng 2,05% so cùng kỳ, trong đó: Sản lượng nuôi trồng 10.406 tấn, khai thác nội địa 504 tấn.

Phóng viên: Du lịch cũng được xem là một trong 4 mũi nhọn phát triển Hậu Giang. Sau thời kỳ giãn cách, tình hình du lịch trong tỉnh đã khởi sắc lại chưa, thưa ông? Kết quả thế nào?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Trong 2 tháng trước và sau Tết, du lịch đã khởi sắc. Riêng tháng 2/2022, toàn tỉnh ước đón 32.300 lượt khách tham quan du lịch, tổng doanh thu ước đạt khoảng 14,5 tỷ đồng (số lượt khách và tổng doanh thu tăng hơn 9 lần so với tháng trước). Lũy kế đón 35.800 lượt khách tham quan du lịch, tổng doanh thu đạt 16,1 tỷ đồng.

Theo kế hoạch chung, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển 2 sản phẩm du lịch đặc trưng là: Dự án Khai thác Tàu du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No đi vùng khóm Cầu Đúc - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại thành phố Vị Thanh và dự án Khai thác Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và chợ nổi Ngã Bảy.

Bốn mũi nhọn đưa Hậu Giang lên tầm cao mới - Ảnh 3.

Một góc TP. Vị Thanh - tỉnh Hậu Giang.

Đi cùng với 2 sản phẩm này, ngành du lịch sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng bằng việc phát triển các sản phẩm OCOP để làm quà lưu niệm phục vụ du khách, tìm kiếm các điểm tham quan du lịch mới gắn với di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng, di tích đều khắp các địa phương; nâng chất các câu lạc bộ đờn ca tài tử, các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer, Hoa... để giới thiệu với du khách.

Để thực hiện điều đó, trước mắt ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho Chợ nổi Ngã Bảy và các điểm du lịch tại huyện Châu Thành A, thành phố Vị Thanh; đồng thời, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư Hồ Tam Giác, Hồ Đại Hàn, Hồ Sen, hình thành chuỗi du lịch nghỉ dưỡng mới vào năm 2023; ứng dụng chuyển đổi số quảng bá xúc tiến du lịch; đầu tư dự án đường tỉnh 926B - tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp - tỉnh Sóc Trăng. 

Bên cạnh đó, ngành còn ra sức kêu gọi thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển các dự án du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, hoàn chỉnh dự án Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, dự án Chợ Du lịch Xà No, dự án Tổ hợp khách sạn 4 sao đưa vào khai thác trong năm 2022 nhằm thu hút tối đa khách quốc tế, khách nội địa, tạo bước khởi sắc mạnh mẽ cho du lịch Hậu Giang trong tương lai.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.