'Bong bóng du lịch' tại Việt Nam liệu có khả quan?
Ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế để triển khai "bong bóng du lịch" do đã kiểm soát COVID-19 thành công.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhiều mặt và chưa từng có, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và xã hội của tất cả các quốc gia.
Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, ngành du lịch là khu vực chịu tác động nhiều nhất từ dịch bệnh. Do vậy, các chính phủ trên toàn cầu đang phải vật lộn để tìm cách khôi phục nguồn thu từ du lịch nội địa và du lịch quốc tế, điều này mở ra một khái niệm mới gọi là "bong bóng du lịch".
Theo các chuyên gia, "bong bóng du lịch" có thể là một mô hình lý tưởng ở thời điểm hiện tại nhưng đã tan vỡ trong quá trình triển khai do những diễn biến khó lường của COVID-19 hoặc do những yêu cầu về mặt phòng dịch ngặt nghèo và mức độ chi trả tốn kém.
Trên thực tế, ngành du lịch Việt Nam dù cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi đại dịch nhưng lại là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đưa ngành du lịch ra khỏi "vực sâu", trước các quốc gia trong khu vực và đang là cái tên được nhiều nước tin tưởng khi nghiên cứu triển khai "bong bóng du lịch".
Các quốc gia đang dự tính thiết lập "bong bóng du lịch" với Việt Nam cũng là các đối tác có kim ngạch thương mại 2 chiều thuộc top đầu với Việt Nam.
Ông Kenneth Atkinson, người sáng lập Grant Thorton Việt Nam và là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam, chia sẻ trên VnEconomy đã đề nghị Chính phủ thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương với các thị trường khách nguồn của Việt Nam.
"Song phương đầu tiên là với các thị trường chúng ta cần nhất, tức là Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau đó là Australia, New Zealand, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc)", ông Kenneth Atkinson cho biết.
Tuy nhiên, mô hình này còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Theo các chuyên gia với mỗi giai đoạn tái mở cửa, di chuyển nhiều hơn đồng nghĩa với rủi ro cao hơn và chính phủ cũng như du khách phải tuân thủ nhiều quy tắc hơn. Đây là thách thức cho mọi quốc gia cả về vấn đề dịch tễ lẫn tâm lý.
Theo lưu ý của đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) khi trả lời phỏng vấn của VTV, các điều kiện kèm theo đối với khách khi nhập cảnh cũng phải được cân nhắc nếu có triển khai mô hình này.
Chẳng hạn nhìn sang nước bạn Campuchia, khách du lịch đến đây hiện phải nộp 3.000 USD tiền cọc tại sân bay, đồng thời phải có bảo hiểm du lịch trị giá ít nhất 50.000 USD. Những điều kiện như vậy rất khó để hồi phục ngành du lịch.
Theo các doanh nghiệp đầu ngành du lịch, để mô hình hành lang du lịch an toàn tức "bong bóng du lịch" phát huy hiệu quả tại Việt Nam, vấn đề căn cơ là Việt Nam phải có được bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ mở cửa với từng thị trường. Không đánh giá được sẽ không thể miễn cách ly, mà không miễn cách ly thì gần như không thể thu hút khách du lịch.
Nếu như giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài khóa, tiền tệ có ý nghĩa giúp doanh nghiệp tồn tại qua dịch, thì giải pháp về thị trường mới có thể giúp doanh nghiệp "sống" và đi được đường dài. Mô hình "bong bóng du lịch" là một giải pháp thị trường được nhiều chuyên gia đánh giá là tiềm năng và phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên làm thế nào để những quả bong bóng không "vỡ" và gây thiệt hại thậm chí nặng nề hơn cho toàn bộ nền kinh tế, sẽ đòi hỏi quá trình phản biện kĩ lưỡng hơn nữa giữa Chính phủ, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.
Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng, trong khi kỳ vọng sự mở cửa lớn hơn với khách quốc tế thông qua "bong bóng du lịch", Việt Nam nên tận dụng triệt để động lực to lớn từ nguồn khách trong nước. Nếu tận dụng được những lợi thế hiện có, Việt Nam có thể tạo ra những bước tiến vượt bậc trong việc thu hút du khách quốc tế trên thế giới hậu COVID-19.
Thuật ngữ "bong bóng du lịch" xuất hiện lần đầu trong khuôn khổ cuộc thảo luận giữa Australia và New Zealand về khôi phục ngành du lịch. Hai nước này đã tính đến phương án mở cửa biên giới nhằm tạo ra một "hành lang du lịch" hay còn gọi là "bong bóng du lịch" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, công dân hai nước sẽ được đi lại giữa biên giới của nhau với thời gian cách ly tối thiểu hoặc không cần cách ly nếu người đó đến từ vùng đã kiểm soát được dịch bệnh. Đây là điều chưa từng xảy ra trong ngành du lịch thế giới, lĩnh vực đang có 57,5 triệu nhân lực tại 21 quốc gia thuộc nhóm nước APEC.
Sự xuất hiện của "bong bóng du lịch" theo nhận định của kênh CNN có thể sẽ là mô hình của tương lai bởi nếu kết quả khả quan, nhiều quốc gia khác sẽ nhanh chóng học hỏi và thực hiện như một biện pháp khôi phục ngành du lịch.
Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.