BQL Khu bảo tồn loài Sao La: Làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng
Thời gian qua, Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn loài Sao La - Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các kế hoạch, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng
Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn loài Sao La - Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 16/02/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam với mục tiêu và nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm vào Khu bảo tồn loài Sao La và sinh cảnh của chúng cũng như những giá trị đa dạng sinh học tại một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu bảo tồn loài Sao La ở Việt Nam.
Có vị trí ở Tây - Bắc tỉnh Quảng Nam, Khu bảo tồn Sao La với diện tích vùng lõi là 15.486,46 ha trải dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang, vùng đệm trên 35.135,44 ha, Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam có hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đai địa hình đất thấp vùng Trung Trường Sơn với hệ động thực vật phong phú và sự hiện diện của các loài quý hiếm trong Sách Đỏ Thế giới và Việt Nam như Sao la, Mang Trường sơn, Thỏ vằn,… thực vật như Kiền kiền, Gõ, Giỗi, Sơn huyết… Vì vậy, đây là nơi thường xuyên bị tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến để khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và săn, bẫy bắt động vật, nên cần ưu tiên bảo vệ.
Nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn động thực vật quý hiếm trước sự tác động của người dân đến khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã, BQL Khu bảo tồn loài Sao la - Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp với mục tiêu tăng cường nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng rừng đặc dụng Khu bảo tồn loài Sao la một cách hiệu quả.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, BQL đã triển khai thực hiện tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và chi trả dịch vụ môi trường rừng; chỉ đạo tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt Luật Lâm Nghiệp, các văn bản khác liên quan đến công tác bảo vệ rừng.
Cụ thể, huyện Đông Giang đã tổ chức 9 đợt tuyên truyền tại thôn với sự tham gia của tổng cộng 1481 người. Huyện Tây Giang đã tổ chức 7 đợt tuyên truyền tại thôn với sự tham gia của tổng cộng 492 người. Phối hợp cùng các trường: THCS Phan Châu Trinh, THCS Lê Văn Tám, THCS Mẹ Thứ, PTDTBT THCS Nguyễn Bá Ngọc triển khai sinh hoạt câu lạc bộ kiểm lâm viên nhí và triển khai đánh giá nhận thức của học sinh vùng đệm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la - Quảng Nam năm 2023…
Về công tác PCCC rừng, BQL đã chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Phương án phòng cháy chữa cháy rừng trong lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la, kiện toàn Ban chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng tại đơn vị. Duy trì công tác tuần tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, khu vực rẫy, rừng trồng.
Chỉ đạo các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết việc sử dụng lửa khi xử lý thực bì và phát đốt nương rẫy phải báo cho Ban quản trị thôn, Tổ bảo vệ rừng của thôn và Kiểm lâm địa bàn để có kế hoạch huy động lực lượng hỗ trợ kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Từ đầu năm 2023 đến nay trên lâm phận, không có vụ cháy nào xảy ra.
Đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, trên địa bàn huyện Đông Giang, BQL đã tổ chức 48 đợt tuần tra, phá hủy và tháo gỡ 273 bẫy ĐVHD, phá hủy 6 lán trại trái phép, đẩy đuổi 2 lượt người vào rừng trái phép; Tham gia phối hợp 20 đợt tuần tra với 10 cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.
Tổ chức 49 đợt tuần tra, phá hủy và tháo gỡ 283 bẫy ĐVHD, phá hủy 06 lán trại trái phép, đẩy đuổi 1 lượt người vào rừng trái phép; Tham gia phối hợp 18 đợt tuần tra với 7 cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tây Giang.
Phối hợp với Dự án QLRBV&BTĐDSH do Tổ chức USAID tài trợ thiết lập và thu hồi 50 bẫy ảnh tại 25 điểm trong lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la và lưu dữ liệu trên công cụ SMART Mobile nhằm đánh giá đa dạng sinh học của Khu bảo tồn;
Bên cạnh đó, BQL Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam còn quan tâm thực hiện tốt công tác dịch vụ môi trường rừng. Đợt 1 năm 2023, trên địa bàn huyện Tây Giang có Tổng diện tích cung ứng DVMTR được chi trả là 6.782,27 ha; 10 cộng đồng cư dân nhận khoán bảo vệ rừng với 5.320,81ha; Tự quản lý bảo vệ 1.461,46 ha.
Cùng với đó, BQL đã phối hợp cùng WWF-Việt Nam lập kế hoạch tuần tra, phân công cán bộ tham gia tuần tra và giám sát hoạt động của các Tổ bảo vệ rừng; Kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện sử dụng ứng dụng Locus Map vào tuần tra ở các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng;...
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nhằm nâng cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch về truyền thông công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động - thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học đến các hộ gia đình vùng đệm Khu bảo tồn loài Sao la; Kế hoạch triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và ghi nhận sự xuất hiện loài Sao la trong lâm phận Khu bảo tồn.
Tăng cường hoạt động có hiệu quả của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong công tác tuần tra. Tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã.
Tiếp tục triển khai thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng chi trả DVMTR theo hình thức giao khoán cộng đồng; giám sát hoạt động tuần tra và sử dụng tiền tại các cộng đồng nhận khoán.
Vận động xây dựng mô hình "Vườn rau gia đình" tại hộ gia đình viên chức, người lao động trong đơn vị trên địa bàn 2 huyện Đông Giang và Tây Giang và thực hiện thí điểm tại 04 cộng đồng nhận khoán.
Xúc tiến mô hình nuôi ong mật tại Khu bảo tồn và tại các hộ gia đình viên chức, người lao động trên địa bàn 2 huyện Đông Giang và Tây Giang.
Phùng SơnMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.