Bức thư của 100 tỷ phú, triệu phú gây náo loạn Diễn đàn kinh tế thế giới: Hãy đánh thuế chúng tôi nhiều hơn!

Thế giới 24H
09:59 AM 19/01/2022

Lời gan ruột của những người giàu: Mong được đóng thuế nhiều hơn.

Tờ SCMP đưa tin, một nhóm hơn 100 tỷ phú và triệu phú đôla vừa gửi lời kêu gọi tới các nhà lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp vốn đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Hãy buộc chúng tôi đóng thuế nhiều hơn.

Cụ thể, một nhóm tự gọi mình là "Các triệu phú yêu nước" nói rằng những người siêu giàu hiện không bị buộc phải trả phần thuế của họ cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ đại dịch Covid-19.

"Là các triệu phú, chúng tôi biết rằng hệ thống thuế hiện hành không công bằng. Hầu hết chúng tôi có thể nói rằng, trong khi thế giới đã trải qua vô số đau khổ trong hai năm qua, chúng tôi đã thực sự thấy sự giàu có của mình tăng lên trong đại dịch. Tuy nhiên, rất ít người có thể thành thật nói rằng mình đã trả phần thuế xứng đáng. Được biết, bức thư ngỏ này đã được công bố nhân dịp diễn ra "Davos ảo" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bắt đầu vào ngày 17/1.

Năm ngoái, Reuters đã đưa tin về sự gia tăng đáng kinh ngạc của tài sản của các tỷ phú, khi thế giới rơi vào tình trạng bế tắc và nền kinh tế toàn cầu đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đây cũng là lý do khiến nhóm triệu phú kêu gọi áp thuế cao hơn.

Trong khi điều đó thúc đẩy hơn 130 quốc gia đồng ý một thỏa thuận để đảm bảo các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm mục đích khiến họ khó tránh thuế hơn, các triệu phú cho biết những người giàu có vẫn cần phải đóng góp nhiều hơn.

Một nghiên cứu của Oxfam tuần này cho thấy, trong hai năm xảy ra đại dịch, tài sản của 10 cá nhân giàu nhất thế giới đã tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD - tương đương 15.000 USD mỗi giây.

Trong bức thư, những người ký tên bao gồm người thừa kế Disney Abigail Disney và nhà đầu tư mạo hiểm Nick Hanauer nói với những người tham gia Davos rằng: "Bạn sẽ không tìm thấy câu trả lời trong một diễn đàn riêng tư… bạn phải là một phần của vấn đề".

Người phát ngôn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết việc thúc đẩy trả một phần thuế công bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của diễn đàn và thuế tài sản có thể là một mô hình tốt để triển khai ở những nơi khác.

Ở hầu hết các quốc gia ngoài một số ít ở châu Âu và Nam Mỹ, người giàu không phải trả thuế hàng năm đối với các tài sản như bất động sản, cổ phiếu hoặc tác phẩm nghệ thuật, vì chúng chỉ bị đánh thuế khi tài sản được bán.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm "Các triệu phú yêu nước" cùng với Oxfam và các tổ chức phi lợi nhuận khác, thuế tài sản lũy tiến bắt đầu từ 2% đối với những người có trên 5 triệu USD và tăng lên 5% đối với các tỷ phú có thể thu được 2,52 nghìn tỷ USD. Số tiền này đủ để giúp 2,3 tỷ người thoát khỏi đói nghèo và đảm bảo chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội cho các cá nhân sống ở các nước có thu nhập thấp hơn.

Ngân hàng Thế giới vào năm 2021 đã công bố một bài báo kêu gọi các quốc gia xem xét đánh thuế tài sản để giúp giảm bất bình đẳng, bổ sung thêm nguồn lực cho kho quỹ nhà nước vốn đã bị cạn kiệt bởi các chương trình cứu trợ Covid-19 và lấy lại lòng tin của xã hội.

Tuy nhiên, ngoài Argentina và Colombia, không có thêm bất kỳ quốc gia nào có kế hoạch đánh thuế tài sản kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Nguồn: SCMP

Phương Linh
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.