Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần; trong đó, CPI tháng 1/2023 tăng cao nhất với 4,89%; tháng 2/2023 tăng 4,31%; tháng 3/2023 tăng 3,35%, tháng 4/2023 tăng 2,81% và đến tháng 5/2023 mức tăng còn 2,43%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 8,94% trong tháng 5/2023.
Các yếu tố làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm 2023 gồm: Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,62% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,25 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,03% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,18 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,8%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp lễ, Tết, tác động làm CPI tăng 0,81 điểm phần trăm. Giá điện sinh hoạt tăng 2,59% do nhu cầu sử dụng điện tăng, tác động làm CPI tăng 0,09 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng 2,37% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.
Bên cạnh các yếu tố khiến CPI tăng, còn các yếu tố làm giảm CPI trong 5 tháng đầu năm 2023 gồm: Giá xăng dầu; giá gas trong nước; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông...
Từ đó, lạm phát cơ bản tháng 5/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 2,2% so với tháng 4 nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5%, làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,5%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ, nguyên nhân của suy giảm sản xuất công nghiệp là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định...
Trong khi đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm; thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…
Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%. Tuy nhiên có điểm sáng là cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023 có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 120,24 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 10,79 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 3,37 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023 có 24 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,6%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 118,31 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 8,06 tỷ USD, chiếm 6,4%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nội địa ước đạt 638,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô ước đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm và giảm 12,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 105,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,0% dự toán năm và giảm 20%.
Trái ngược với thu ngân sách giảm, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm nay ước đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên 5 tháng ước đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán năm, tăng 5,6%; chi đầu tư phát triển đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6%, tăng 35,5%; chi trả nợ lãi 43 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8%, giảm 1,3%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chi ngân sách nhà nước ước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định sự tăng trưởng liên tục và ổn định của nhu cầu trong nước sẽ tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Khi xuất nhập khẩu có biến động do tình hình kinh tế thế giới thì việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ giúp kinh tế tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc giúp các các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn là nền tảng để nền kinh tế phục hồi và sẵn sàng cho những cơ hội khi kinh tế toàn cầu khởi sắc hơn.
Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10%. Những đề xuất giảm thuế luôn được doanh nghiệp ngóng chờ.
Ở thời điểm này sự đồng hành với doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhưng chính sách cũng cần được đồng bộ và có đủ thời gian để có thể tác động tích cực vào hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Nhìn vào sức khỏe của khối doanh nghiệp có thể thấy khó khăn đang hiện hữu không nhỏ. Từ đầu năm đến nay có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đang tác động mạnh đến sản xuất và đầu tư trong nước.
Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam, tuy nhiên khu vực này chưa thoát khỏi những dư chấn từ đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020, hoạt động sản xuất công nghiệp tại đây đang phải đối mặt với những cú sốc liên tiếp do Nga cắt nguồn cung khí đốt khiến giá năng lượng tăng cao, đẩy lạm phát và lãi suất tăng mạnh.
Nhiều ngành hàng chủ lực đối mặt với những ngày tháng khó khăn chưa từng có. Cụ thể, dệt may, thuỷ sản đều ghi nhận mức sụt giảm đơn hàng rất mạnh. Nhiều DN chỉ còn 30-40% công suất, thậm chí tạm dừng sản xuất để đợi đơn hàng. Thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ phải "ăn đong từng ngày". Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất đến tháng 7 tháng 8.
Trước tình hình này, đã có nhiều chính sách được đưa ra. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, chưa đầy 5 tháng có 4 công điện, loạt nghị quyết, nghị định, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay hàng loạt các chính sách tài chính tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp để tạo động lực cho phát triển, song vấn đề ở đây là thực thi.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết: "Các chính sách đã đi đúng hướng nhưng phải thúc đẩy mạnh mẽ, thực thi ngay để doanh nghiệp tiếp cận ngay được dòng vốn giá rẻ".
Hỗ trợ doanh nghiêp còn cần đo lường mức độ hấp thụ của nền kinh tế, đặc biệt với các chính sách tiền tệ.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: "Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng tôi cũng nghĩ rằng điều đó sẽ hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, hấp thụ được nguồn vốn hay không cần phải có định lượng rất cụ thể khi đó dòng tiền mới mang lại giá trị tiếp sức và phục hồi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế".
Để đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% trong năm nay, các quý còn lại phải tăng trưởng bình quân 7,5 - 8%. Mục tiêu này là rất thách thức, chính vì thế với mỗi chính sách, đặc biệt là với doanh nghiệp ngoài đúng và đủ thì cần nhanh và nhạy để tăng cường sức khỏe doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.