Bức tranh thị trường lao động Việt Nam khởi sắc trong quý II/2022

Nhịp đập thị trường
11:31 AM 07/07/2022

Chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch cùng các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là yếu tố chính làm tươi sáng hơn bức tranh thị trường lao động việc làm của Việt Nam trong quý II/2022.

Theo báo cáo về tình hình thị trường lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, ở cả ba khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Lực lượng lao động tăng nhanh. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 giảm mạnh.

Bức tranh thị trường lao động Việt Nam khởi sắc trong quý II/2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II/2022 là 68,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,2 điểm phần trăm so với nam là 74,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý II/2022 là 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Số người lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên trong quý II là 50,5 triệu người, tăng 504,5 nghìn người so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người, tăng 127,9 nghìn người so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và khu vực nông thôn là 31,9 triệu người, tăng 376,6 nghìn người so với quý trước và 27,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,39% (quý II là 2,32%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 2,05%.

Mặc dù, thị trường lao động 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, nhưng theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với biến chủng mới đã xuất hiện tại Việt Nam.

Để thị trường lao động phát triển ổn định, ông Nguyễn Trung Tiến đưa ra 4 khuyến nghị, bao gồm: tiếp tục nhất quán phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; đồng thời cần có các kịch bản đối phó với các biến thể mới có thể xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khoá và chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.