Buôn Đôn (Đắk Lắk): Bảo đảm nguồn lực tài chính trong bối cảnh dịch COVID-19

Địa phương
09:11 AM 25/12/2021

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế-xã hội trong nước nói chung và huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tuy nhiên, với phương châm "chống dịch như chống giặc" huyện Buôn Đôn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, kiên định với mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản đã đề ra.

Năm 2021, tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) của huyện Buôn Đôn đạt kết quả tương đối khả quan. Tìm hiểu, đánh giá về những nguyên nhân chính góp phần vào thành công này, cũng như những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2022, phóng viên (PV) Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Buôn Đôn. Trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả nội dung cuộc trò chuyện này.

PV: Thưa ông, trong hoàn cảnh dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn, tuy nhiên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 của huyện Buôn Đôn là 515.812/396.438 triệu đồng, đạt 132,7% dự toán tỉnh giao và đạt 130,1% dự toán huyện giao. Vậy xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân của kết quả đạt được này?

Ông Bùi Văn Vinh: Trong năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Tại Đắk Lắk, làn sóng dịch COVID-19 trở lại tại nhiều huyện thị trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Buôn Đôn, gây tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Trước những tác động đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2021 của huyện đã đạt được kết quả khá tốt.

Buôn Đôn (Đắk Lắk): Bảo đảm nguồn lực tài chính trong bối cảnh dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Buôn Đôn

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 của huyện Buôn Đôn là 515.812/396.438 triệu đồng, đạt 132,7% dự toán tỉnh giao và đạt 130,1% dự toán huyện giao: Thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 55.899/48.500 triệu đồng, đạt 124,8% dự toán tỉnh giao và đạt 115,3% dự toán huyện giao, bằng 98% so với thực hiện năm 2020. Thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021: Thực hiện 76.049 triệu đồng (cấp huyện: 68.859 triệu đồng; cấp xã: 7.190 triệu đồng). Trong đó có 4.000 triệu đồng giao trong dự toán đầu năm. Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên (không kể số bổ sung từ ngân sách huyện cho ngân sách cấp xã): 380.709/343.938 triệu đồng, đạt 110,7% dự toán tỉnh, huyện giao.

Năm 2021, với tác động tiêu cực của dịch COVID-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cùng với nhiều nguyên nhân khác, khiến người nộp thuế gặp khó khăn, do lượng hàng hóa tiêu thụ chậm, các dịch vụ tạm ngưng kinh doanh để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Nguồn thu từ các lĩnh vực, ngành nghề khai thác từ lợi thế địa phương hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động hoặc đi vào hoạt động nhưng chưa phải nộp thuế do được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Bên cạnh đó, do Chính phủ ban hành nhiều chính sách giảm, gia hạn thuế chủ yếu do tình hình kinh tế trong huyện chưa có chuyển biến tích cực, tình sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; Một số sắc thuế đạt thấp như: Thuế thu từ DNNN TW đạt 0%; Thuế thu từ DNNN địa phương đạt 62,5%; Thuế TNDN NQD đạt 92,7%; đặc biệt là thu cho thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ xã thực hiện rất thấp...

PV: Trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm, áp lực chi lên NSNN trong thời gian qua chắc sẽ vô cùng lớn. Vậy ông có những đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách địa phương năm 2021 tại huyện Buôn Đôn?

Ông Bùi Văn Vinh: Năm 2021, tuy thu NSNN trên địa bàn đạt kế hoạch giao nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu chi, còn phải nhận bổ sung rất lớn từ ngân sách cấp trên mới có thể cân đối được tối thiểu ngân sách huyện. Cụ thể, tổng chi ngân sách (Kể cả chi NS xã) ước thực hiện năm 2021 là 431.709/390.775 triệu đồng, đạt 112,6% dự toán tỉnh giao và đạt 110,5% dự toán huyện giao. Trong đó: Chi cân đối ngân sách: 398.976/358.530 triệu đồng, đạt 111,3% dự toán huyện giao. Chi thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ từ nguồn TW và tỉnh bổ sung có mục tiêu: 32.022/32.245 triệu đồng, đạt 99,3% dự toán tỉnh, huyện giao.

Trên thực tế, UBND huyện đã chỉ đạo Cơ quan thuế và các ngành, các cấp tăng cường công tác thu, thực hiện quản lý, sử dụng ngân sách thật chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách trên địa bàn. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị dự toán, UBND các xã tập trung nguồn lực thực hiện đảm bảo nguồn cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng chậm lương, nợ lương và các chính sách chế độ cho người lao động trước tình hình dịch COVID-19 kéo dài, đảm bảo kinh phí cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trên người và vật nuôi.

Nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt và quán triệt kịp thời các chủ trương, chính sách của nhà nước, năm 2021 việc thực hiện dự toán chi ngân sách đã được điều hành đảm bảo đúng dự toán được phân bổ. Đối với nhiệm vụ chi thường xuyên nhất là nguồn kinh phí giao tự chủ, từng đơn vị đã quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được giao đảm bảo hoạt động của đơn vị mình. 

Tuy nhiên, nhiệm vụ chi ngân sách của huyện Buôn Đôn cũng còn tồn tại những hạn chế như: Một số đơn vị chưa chủ động trong xây dựng phân bổ kế hoạch, nhiệm vụ của đơn vị mình ngay từ đầu năm, dẫn đến khi thực hiện không có dự toán được giao từ đầu năm, phải xin bổ sung kinh phí ngoài dự toán. Mặt khác, năm 2021 trên địa bàn huyện có phát sinh nhiều sự kiện cần phải bổ sung ngân sách ngoài dự toán đầu năm, trong khi đó nguồn thu bị hụt so với dự toán dẫn đến quá trình điều hành ngân sách của UBND huyện gặp rất nhiều khó khăn.

PV: Sang năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Xin ông cho biết những giải pháp chủ yếu sẽ được thực hiện để đảm bảo mục tiêu thu NSNN trong năm 2022?

Ông Bùi Văn Vinh: Để đảm bảo mục tiêu thu NSNN trong năm 2022, theo tôi cần thực hiện các nhóm giải pháp sau: Cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về chính sách thuế mới sửa đổi, bổ sung; các quy định về thu nộp thuế, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế; các hành vi vi phạm được quy định trong Luật thuế, văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời với các hình thức, mức độ xử lý đối với từng hành vi, lĩnh vực vi phạm để người nộp thuế biết và thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Tiếp đó, tăng cường chỉ đạo đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách trên địa bàn huyện, nhằm kịp thời đề ra các biện pháp chỉ đạo xử lý nợ đọng thuế, đồng thời xem xét giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác chống thất thu ngân sách. Nâng cao chất lượng trong công tác kiểm tra tại cơ quan thuế nhất là các đơn vị, hộ kinh doanh có sử dụng hoá đơn đầu vào để xác minh kịp thời nhằm phát hiện các hoá đơn hết giá trị sử dụng, hoá đơn của các doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán lòng vòng trốn thuế, gian lận thuế.

Đồng thời, khai thác nguồn thu thuế đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân, phí, lệ phí, khai thác tài nguyên, khoáng sản...; có phương án và biện pháp cụ thể để kiểm tra, kiểm soát, giám sát, theo dõi việc ghi chép bảng kê hàng hoá mua vào của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cà phê, nông sản nhằm chống thất thoát, thất thu thuế TNDN.

Tiếp tục rà soát các hộ kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng nộp thuế để quản lý thu thuế; điều tra doanh thu tại hộ kinh doanh theo quy định; thường xuyên kiểm tra tình hình phát sinh hộ kinh doanh kịp thời đưa vào quan lý, điều chỉnh kịp thời các trường hợp theo quy định phải điều chỉnh thuế.

Phối hợp UBND các xã rà soát, kiểm tra diện tích đất chịu thuế phi nông nghiệp đối với các trường hợp sử dụng vượt định mức, chưa kê khai, kê khai không đầy đủ để đưa vào quản lý thu thuế phát sinh, thuế truy thu (nếu có). Trước mắt, thực hiện kiểm tra đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Giao cho cơ quan Thuế phối hợp với Công an huyện xác minh hoá đơn đầu vào ngoài huyện, ngoài tỉnh, đồng thời phối hợp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm được phát hiện.

Tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành, chống thất thu trên khâu lưu thông, hạn chế đến mức thấp nhất tình hình vận chuyển nông sản không có hoá đơn, chứng từ nhằm trốn thuế; giáo dục cán bộ công chức về ý thức công vụ, tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối cùng là phải đẩy mạnh thu biện pháp tài chính, nhất là thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất, thu nợ tiền đất, thu tiền bán tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước, tăng cường thu xử phạt hành chính trên các lĩnh vực.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn