Buôn thất nghiệp, lãi quan viên

Kinh doanh
10:09 PM 13/07/2022

Ở Việt Nam thời xưa nghề buôn không được các triều đại phong kiến xem trọng, thậm chí còn bị xem thường và hắt hủi. Với họ chỉ có con đường học hành khoa cử mới đem đến danh giá và vị trí trong xã hội, mặc dù ai cũng biết rằng “phi thương bất phú”. Đặc biệt với những nhà nho thì quan niệm rằng làm giàu bằng nghề buôn là bất nhân, gian lận.

Ngày nay, quan niệm ấy không còn nữa, nghề buôn đã được xem trọng và người đời thường ca ngợi những người làm ăn, buôn bán chân chính, đi lên bằng nghị lực của chính mình. Thế nhưng, không phải ai dấn thân vào con đường làm ăn buôn bán đều gặt hái được những thành quả theo ý muốn và không phải ai cũng thật sự có tâm huyết với nghề. Kinh doanh buôn bán cũng như một cuộc chơi, người thật sự có tâm huyết, có bản lĩnh thì chắc chắn sẽ chiến thắng. Để có thể đứng vững được trong "dòng xoáy" thị trường chúng ta không thể chỉ dựa vào những gì đã có sẵn rồi không chịu chú tâm vào làm ăn mà chỉ "ngồi mát ăn bát vàng" vì nếu có quan niệm như vậy thì chắc chắn sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi. 

Buôn thất nghiệp, lãi quan viên - Ảnh 1.

Cảnh "Buôn thất nghiệp, lãi quan viên"

 Cảnh buôn gánh bán bưng

Trong một lần đi chợ, theo thói quen tôi quan sát một cô bán cá rồi lân la hỏi chuyện thì được biết là cứ sáng sớm cô ra chợ cá đầu mối phía Nam Hà Nội mua cá trắm rồi về bán tại góc chợ. Cô chỉ chuyên buôn loại cá trắm và mỗi ngày bán khoảng 60 đến 70 kg, có hôm thì nhiều hơn một chút. Cô bán cá ở góc chợ tạm Xuân La đã được 5 năm, cứ sáng sớm thì hai vợ chồng đi xe máy đến chợ đầu mối lấy hàng rồi chở về bán đến khoảng 10 giờ sáng đã hết hàng, mỗi một kg lãi khoảng từ 10.000 đến 15.000 đồng, vậy mà cuộc sống gia đình cô đủ tiền nuôi 3 đứa con ăn học đại học. Dù ngày nào cũng đi từ 3 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nghỉ trưa xong lại lo việc nhà cửa, vợ chồng vất vả suốt ngày "buôn gánh bán bưng", có hôm chỉ kịp ăn vội chiếc bánh mì cho kịp giờ chợ nhưng vợ chồng cô vẫn tần tảo để kiếm tiền nuôi con ăn học, duy trì cuộc sống gia đình một cách khá ổn định và tạo dựng cuộc sống với những vật dụng khá sung túc…

Không ít hình ảnh "buôn thất nghiệp, lãi quan viên" 

Chẳng kể đâu xa, trên đất Hà Thành này, dân các tỉnh cư ngụ rất nhiều, họ đổ xô về đây làm ăn buôn bán, những người chịu khó "đầu tắt mặt tối" siêng năng thì "trời chẳng phụ". Ngay dãy phố Hàng Tre, trước đây chỉ có nghề hàn vá yếm xe vỡ, nắn khung và một vài cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Ngày nay, trong cơ chế thị trường, nhiều cửa hàng đua nhau mọc lên, khách hàng lúc nào cũng đông bởi ở đây, nhất là các quán ăn vặt thì giá rất bình dân, ngon, rẻ, dân dã mà vẫn lịch sự. Phố Hàng Tre chưa phải là phố buôn bán lớn của nhiều đại gia, nhưng thị hiếu dân nơi đây "biết mình, biết người", buôn bán với số vốn ban đầu không nhiều, mở những cửa hàng nhỏ, phục vụ cuộc sống hàng ngày của dân đô thành. Những cửa hàng như cạo cùi dừa rất vất vả, tỉ mẩn, thường được coi là "buôn thất nghiệp, lãi quan viên", nhưng vì cần cù, kiên trì với nghiệp nên nhiều nhà "tích luỹ" dần lên, hùn vốn tiến lên mở cửa hàng đa dạng hơn.

Hay như phố Hàng Than, cách đây khoảng 30 năm chỉ có một vài cửa hiệu nhỏ có làm nghề bánh cốm gia truyền rồi khi đời sống nhân dân được nâng lên, nhu cầu cưới hỏi của các đôi trai gái muốn đặt lễ ăn hỏi, thuê khay tráp, bày biện cầu kỳ, sang trọng, rồi thì từ những nhà làm bánh cốm đã kéo theo nhiều cửa hàng nhận đặt lễ cưới hỏi trọn gói và rồi nhu cầu của đám cưới hỏi ngày càng cao sang nên các cửa hàng cho thuê phông, rạp, trang trí và thậm chí là cả đội hình bê tráp, lễ tân cũng được phục vụ chu đáo mà những cửa hàng này đa phần là dân gốc nên không phải đầu tư thuê cửa hàng. Họ vừa làm bánh, vừa buôn thêm hoa quả, trà rượu, trầu cau, thuốc lá v.v… nên đầu tư rất ít nhưng đem lại lợi nhuận khá cao.

Miên man với câu truyền miệng dân gian "Buôn thất nghiệp, lãi quan viên", tôi cứ mải miết đi tìm để hiểu ý nghĩa câu nói chứa đựng nhiều tổng kết về cách buôn, cách bán và hiệu quả đem lại cho những gánh hàng rong, những hình thức kinh doanh buôn bán bỏ vốn ít mà lợi nhuận nhiều. Ví như chị bán hàng nước ở ngõ nhỏ phố tôi cũng vậy, cả bàn ghế, ấm chén, phích nước rồi đắt tiền nhất là khay đựng thuốc lá thì vốn đầu tư và luân chuyển cũng chỉ vỏn vẹn khoảng hơn 1 triệu đồng bạc, nhưng cuộc sống của gia đình chị cũng chẳng phụ thuộc ai và thậm chí còn rất đàng hoàng nữa là đằng khác… 

Hành trình những gói xôi sáng làng Phú Thượng

Khi đồng hồ điểm 2 giờ sáng, thành phố vẫn đang chìm say trong giấc ngủ, chỉ còn lại những ánh đèn vàng nhạt.., men theo đường đê Nghi Tàm, tôi đến với một điểm dừng đặc biệt, nơi những làn khói đang len lỏi trên từng mái ngói của các hộ gia đình mang theo hương thơm dịu nhẹ của nếp mới làm nức mũi. Không khí nhộn nhịp của một làng nghề truyền thống hiển hiện. Con đường vào làng Phú Thượng được bê tông hóa tự nó đã nói lên sự khởi sắc của một vùng quê vốn sản sinh ra những hạt lúa ngon. Bộ mặt nông thôn đã thực sự thay da đổi thịt chính nhờ nghề của cha ông.

Buôn thất nghiệp, lãi quan viên - Ảnh 2.

Những gánh hàng xôi len lỏi khắp những con phố

Chuyện làng xôi: Theo lời kể của các bậc tiền bối, nghề thổi xôi đã có từ lâu lắm rồi, nó gắn với con người và cuộc sống như một điều tất yếu. Trẻ làng xôi sinh ra đã quen mắt quen tay với việc ngâm nếp, vò nếp, đồ xôi, chọn đậu, bếp lò rực đỏ mỗi ngày từ 2 giờ sáng… Một bà cụ khoảng ngoài bảy chục tuổi kể với tôi: " Không biết nghề thổi xôi có từ khi nào, chỉ nhớ sinh ra đã thấy nhà nào cũng thổi xôi, làm bánh dày, bánh giò, bánh trôi rồi ủ rượu nếp. Hơn 50 năm gắn với gánh xôi rảo bước khắp phố phường nay bà đã truyền nghề cho con gái và con dâu. Con dâu bà là người Ninh Bình, lúc mới về làm dâu chưa quen việc, tuy nghề có phần nhọc nhằn nhưng bà vẫn thường nhắc, người làng này sinh ra đã gắn với nghiệp làm xôi sau này các con có trách nhiệm duy trì và phát triển nó".

Đất Kẻ Gạ (nay là Phú Thượng) phù sa màu mỡ, xưa kia vốn nức tiếng gần xa với những hạt lúa dẻo thơm, có lẽ thế mà sinh ra cái nghiệp làm xôi ngon không đâu bằng, rồi gắn bó thành làng nghề truyền thống từ bao đời. Việc duy trì đến nay đã trở thành chuyện miếng cơm, manh áo của hàng ngàn người dân nơi đây.

Xôi Phú Thượng được nhiều nhà hàng, khách sạn thường xuyên đặt phục vụ tiệc tùng. Nhiều gia đình nấu xôi với số lượng lớn, trung bình mỗi ngày nấu từ 50 đến 70 kg gạo nếp mà cứ 10 kg gạo nếp nấu thành xôi trừ chi phí nguyên liệu có thể kiếm được khoảng từ 150 đến 200 ngàn đồng, tùy thuộc người bán. Thế nhưng, để có được nắm xôi dẻo thơm, ít ai biết được những vất vả, công phu của người làm nghề. Rồi hành trình những gói xôi ngon ở Phú Thượng đã nức tiếng lâu nay, rồi những gánh hàng xôi len lỏi khắp những con phố và rồi thì món xôi không chỉ là món quà sáng, họ còn phục vụ làm xôi đặt cho cưới hỏi, tiệc tùng… Trong làng Phú Thượng hiện nay đã có nhiều đại lý lớn chuyên bán các loại nguyên liệu như: nếp, đỗ, vừng… mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn gạo. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt nhờ nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Buôn thất nghiệp, lãi quan viên - Ảnh 3.

Xôi Phú Thượng đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020 với ba sản phẩm là xôi chè, xôi xéo và xôi ngũ sắc

Ngày 27/01/2021, xôi Phú Thượng đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020 với ba sản phẩm là xôi chè, xôi xéo và xôi ngũ sắc. Theo đại diện Hội Làng nghề xôi truyền thống Phú Thượng, để giữ vững chất lượng sản phẩm, thương hiệu làng nghề truyền thống, các hội viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nấu xôi truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ khi sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Thu nhập của người dân nâng cao. Không chỉ có vậy, Hội làng nghề xôi Phú Thượng đã xin phép UBND phường và đang trình UBND quận Tây Hồ cấp phép "Nhãn hiệu tập thể xôi Phú Thượng" và được mở một cửa hàng giới thiệu những sản phẩm của xôi Phú Thượng. Ngoài ra, Hội làng nghề cũng thường xuyên tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các hộ gia đình, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chú trọng vào chất lượng sản phẩm.

Với nền cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin rất phát triển, phương thức mua hàng của người tiêu dùng có những thay đổi nên sản phẩm xôi đã có những thay đổi về phương thức bán hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, bởi trên nền tảng mạng xã hội và các nền tảng bán hàng dành cho ngành hàng ăn uống hiện nay rất phát triển. Ngoài ra, hệ thống các kênh phân phối trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi có mặt ở trên rất nhiều tuyến phố. Có thể nói, xôi làng Phú Thượng vốn nổi tiếng ngon làm thơm lây đặc sản ẩm thực Hà Nội. Trên đất Sài Gòn ngày nay cũng thấp thoáng thấy thương hiệu có dòng chữ "Xôi ngon Hà Nội", và đôi khi chợt thấy miếng ngon đâu phải chỉ ở những nơi cao sang đắt tiền mới có.

Câu ngạn ngữ dân gian "Buôn thất nghiệp, lãi quan viên" làm tôi nhớ đến quan điểm của anh bạn người Đan Mạch khi hỏi thăm tôi. Anh không hỏi tôi làm được bao nhiêu tiền một tháng mà anh hỏi tôi là bạn tích lũy được bao nhiêu một tháng. 

Nhật Thăng
Ý kiến của bạn