Business Insider: Chống dịch 'rẻ nhưng hiệu quả', Việt Nam cần được ghi nhận nhiều hơn

Tiêu điểm
08:22 AM 22/02/2021

Tờ Business Insider (Hoa Kỳ) nhận định, Việt Nam xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn nhờ khả năng khống chế dịch Covid-19 trong thời gian ngắn bằng mô hình phòng chống virus giá rẻ với các bước bảo đảm an toàn cơ bản.

Business Insider nhấn mạnh, mỗi quốc gia có cách ứng phó riêng đối với đại dịch. Trong đó, một vài quốc gia đã thực hiện việc chống dịch hiệu quả hơn so với các quốc gia khác. Cụ thể, New Zealand, Australia... là các quốc gia điển hình làm tốt trong công cuộc chống dịch nhờ hành động nhanh chóng của Chính phủ.

Việt Nam xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn

Theo Business Insider, câu chuyện chống dịch của Việt Nam xứng đáng được nêu gương và ghi nhận nhiều hơn nữa. Với vị trí địa lý (giáp biên giới với Trung Quốc, nước đầu tiên bùng phát dịch) và quy mô dân số (khoảng 97 triệu dân), Việt Nam có khả năng trở thành một điểm nóng về Covid-19.

Tuy nhiên, nhờ việc sử dụng mô hình chống dịch chi phí thấp và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cơ bản như thường xuyên vệ sinh tay và đeo khẩu trang, Việt Nam đã kiểm soát được dịch chỉ trong vòng vài tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới ghi nhận không đầy 2.500 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong.

Business Insider cho biết, không quốc gia nào có cùng quy mô dân số như vậy lại kiểm soát virus tốt như Việt Nam. Ví dụ, với 102 triệu dân, Ai Cập đã có hơn 176.000 ca nhiễm, theo dữ liệu thống kê của Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ). Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia nằm giữa lục địa châu Phi, ghi nhận hơn 24.000 ca mắc trong tổng số 89 triệu dân.

Trong bảng xếp hạng 98 nước về mức độ thành công trong ứng phó với đại dịch do Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố ngày 28/1, Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau New Zealand, trong khi Hoa Kỳ xếp gần cuối ở vị trí 94.

Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, ông Kamal Malhotra nêu rõ: "Đáng lẽ Việt Nam phải xếp trên cả New Zealand do phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc chống dịch".

Minh chứng cho cách làm "rẻ nhưng hiệu quả"

Ngay từ tháng 1/2020, Việt Nam đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sau khi những ca nhiễm được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Guy Thwaites, bác sĩ đã có mặt tại một trong các bệnh viện điều trị Covid-19 của Việt Nam chia sẻ với tờ Business Insider rằng nhà chức trách địa phương đã phản ứng "rất nhanh chóng và quyết liệt".

"Các trường học được lệnh đóng cửa và Chính phủ đã giới hạn các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã làm tất cả những việc này một cách nhanh chóng", ông Thwaites cho hay.

Điều phối viên Liên Hợp Quốc Malhotra đánh giá, Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống đại dịch nhờ 3 yếu tố, bao gồm: truy vết tiếp xúc, chiến lược xét nghiệm có chọn lọc và thông điệp rõ ràng. Thay vì xét nghiệm tất cả mọi người, Việt Nam chỉ xét nghiệm những ca nghi nhiễm trong truy vết tiếp xúc. Nhà chức trách đóng cửa biên giới và tất cả những người nhập cảnh đều được cách ly miễn phí trong các cơ sở của nhà nước.

Phóng viên Kate Taylor của báo Business Insider, người có mặt tại Việt Nam hồi tháng 2 năm ngoái khi đất nước mới ghi nhận chưa đầy 20 ca nhiễm, chia sẻ Việt Nam rất chú trọng trong các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, nâng cao nhận thức về các triệu chứng nhiễm virus và đo thân nhiệt.

Nhấn mạnh đến việc Việt Nam chưa bao giờ phải phong tỏa toàn quốc gắt gao như Anh hay một số nước châu Âu, Business Insider khẳng định đây là minh chứng cho cách làm "rẻ nhưng hiệu quả" của Việt Nam.

Khi số ca mắc tăng lên, các địa phương bùng dịch phải thực hiện phong tỏa tại chỗ. Mặc dù vậy, thay vì phong tỏa toàn bộ đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã cho triển khai các biện pháp giãn cách xã hội khắp toàn quốc trong 2 tuần hồi tháng 4. Đến đầu tháng 5, người dân trên khắp Việt Nam đã hầu như có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Business Insider kết luận, người dân Việt Nam đang học cách sống trong trạng thái bình thường mới. Chính phủ hiện nay vẫn yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang phòng chống lây nhiễm virus.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.