"Bứt tốc" để đạt mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI

Tài chính - Đầu tư
10:41 AM 17/10/2024

Theo các chuyên gia, mục tiêu của Việt Nam vẫn tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... Đây được coi là một trong những động lực mới của nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. 

"Bứt tốc" để đạt mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính đến ngày 30/9, cả nước có 1.027 dự án mới được tăng vốn đầu tư nước ngoài với số vốn tăng thêm đạt hơn 7,64 tỷ USD, tăng 7,3% về số dự án và tăng 48,1% về số vốn đăng ký tăng thêm so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu 40 tỷ USD cho cả năm, Việt Nam cần thu hút thêm khoảng hơn 15 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm. Đây là một con số không hề nhỏ trong bối cảnh còn thách thức bủa vây.

Thực tế, nhiều khoản đầu tư công nghệ cao đã và đang ấp ủ "rót" vào Việt Nam. Một trong những thông tin đáng chú ý là sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như NVIDIA, Qualcomm, Intel, AMD, Samsung, Meta… tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.

Tại sự kiện này, lãnh đạo các tập đoàn cam kết đầu tư và hỗ trợ Việt Nam phát triển các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới sáng tạo. Theo Phó chủ tịch cấp cao toàn cầu Tập đoàn NVIDIA Raymond Teh, NVIDIA sẽ giúp tăng tốc đổi mới trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Trong khi đó, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta Nick Clegg cho biết, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất tại Việt Nam vào năm 2025. Việc này được kỳ vọng tạo ra khoảng 1.000 việc làm tại Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn Samsung cũng lên kế hoạch đầu tư tiếp 1,8 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình LED ở Bắc Ninh.

Khi các kế hoạch này được hiện thực hóa, một dòng vốn lớn sẽ đổ vào Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam sẽ đạt mức tương đương năm ngoái, khoảng 39-40 tỷ USD. Không chỉ là về số lượng, mà chất lượng dòng vốn cũng sẽ được nâng cao, góp phần “nâng chất” nền kinh tế.

Hiện nay, mục tiêu của Việt Nam vẫn là tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... Đây được coi là một trong những động lực mới của nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia, dù tình hình thu hút FDI có xu hướng tích cực nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn nội tại trong thu hút đầu tư, như: tình trạng mất điện ở Việt Nam hiện đang gây "nguy cơ" cho sự tăng trưởng FDI; thủ tục hành chính phức tạp; chi phí logistics cao; thiếu lao động chất lượng cao; áp lực cạnh tranh với các đối thủ “nặng ký” trong khu vực...

Thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp mang tính "bứt tốc" để đạt được mục tiêu FDI 40 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các dự án chất lượng cao.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút vốn FDI cao nhất trong 9 tháng Vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút vốn FDI cao nhất trong 9 tháng

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2024, vùng Đồng bằng sông Hồng đón nhận số vốn đầu tư nước ngoài cao nhất, với tổng vốn đăng ký đạt 11,87 tỷ USD.