BV Phổi Trung ương 'chia lửa' chống COVID-19 với Đồng Nai
Đứng trước tình hình dịch COVID-19 ở làn sóng thứ 4 diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận, mặc dù đã thực hiện giãn cách xã hội nhiều lần nhưng dịch lan ngày càng rộng, số ca mắc và đặc biệt số ca tử vong ngày càng tăng lên, hệ thống y tế tại địa phương quá tải, được sự điều động của Bộ Y tế, vừa qua, Đoàn y, bác sĩ BV Phổi Trung ương do PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc dẫn đầu lên đường vào tỉnh Đồng Nai “chia lửa” phòng chống COVID-19 với các thầy thuốc ở đây.
Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 của BV Phổi Trung ương được đặt tại BVĐK Thống Nhất Đồng Nai, đây là một trong 12 Trung tâm Hồi sức tích cực Trung ương tại các địa phương. Trung tâm đi vào hoạt động với quy mô 220 giường, trong đó có 50 giường hồi sức tích cực (HSTC) để điều trị những trường hợp mắc COVID-19 từ nặng đến nguy kịch. Tại đây, một tin vui là có 1 ca chạy hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) đến ngày thứ 19 đã được cai máy.
Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về hô hấp, đã có kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác chống lao - một bệnh lây nhiễm có nhiều tương đồng với COVID-19. BVĐK Thống Nhất Đồng Nai là bệnh viện đa khoa lớn của tỉnh quy mô 1000 giường và đặc biệt có toà nhà 9 tầng đang hoàn thiện, biệt lập với phần còn lại của bệnh viện. Với cơ sở vật chất hiện có nay, theo PGS Nhung, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng chỉ còn là hệ thống khí và giường bệnh.
Chỉ trong thời gian ngắn, bồn oxy 32 khối đã được nắp đặt vận hành bổ sung cho 2 bồn 5 khối đã có từ trước. Hệ thống bảng biểu chỉ dẫn đi một chiều phòng chống nhiễm khuẩn và trang thiết bị máy móc được đem từ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K và huy động xã hội để Trung tâm đủ năng lực cấp cao nhất về hồi sức tích cực.
"Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là được nhân dân Đồng Nai yêu quý. Sở Y tế và BVĐK Thống Nhất đã chia sẻ tất cả các phương án chống dịch của địa phương và chúng tôi đã hoà thành "một đội" chống dịch của tỉnh, vì vậy đã khai thác được tối ưu lợi thế sẵn có của các bên để xây dựng năng lực tốt nhất ứng phó với tình hình dịch khó lường tại địa phương. Đặc biệt, chúng tôi được hợp tác với người thủ lĩnh của ngành y tế Đồng Nai - BS Phan Huy Anh Vũ, một bác sĩ đầy tâm huyết, năng động và trách nhiệm vì sức khoẻ nhân dân là trên hết và trước hết", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương chia sẻ.
Để phối hợp tốt với địa phương, PGS Nhung cho biết, họ đã phải nghiên cứu rất kỹ về mặt dịch tễ, về từng biện pháp can thiệp chống dịch từ khâu cách ly đến xét nghiệm đặc biệt là ở hệ thống điều trị từ mức nhẹ đến nặng. BV Phổi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về hô hấp bao gồm bệnh lao. Lao và COVID-19 đều là bệnh lây nhiễm có những điểm tương đồng, vì vậy kinh nghiệm mấy chục năm đã được phát huy với góc nhìn của chuyên môn dịch tễ.
Ví dụ, xác định mục đích của chúng ta là dập tắt đại dịch, nhưng mục tiêu của chúng ta cụ thể là gì? Đó là phát hiện cho thật sớm, cho thật hết, bóc tách nguồn lây ra khỏi cộng đồng, nghĩa là cách ly, hoặc tập trung hoặc tại nhà nếu đủ điều kiện, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly. Vấn đề xét nghiệm cực kỳ quan trọng, bao gồm xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định, vấn đề phân quyền tự xét nghiệm cho các công ty và nâng cao tốc độ xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
"Chúng tôi cũng đã hỗ trợ xét nghiệm Xpert là loại RT-PCR đóng kín thời gian chỉ 45 phút để phát hiện khẳng định nhanh ra các quyết định cách ly bảo về bệnh viện. Vấn đề điều trị là nhiệm vụ chính, được phân công của Bộ Y tế. Cần có phác đồ rất rõ ràng, phân loại mức độ bệnh và quá trình theo dõi bệnh để giảm tải hệ thống y tế và giảm tử vong. Chúng tôi đã quan sát và nghiên cứu kỹ các trường hợp tử vong để tìm giải pháp hiệu quả nhất, không thể chỉ tập trung vào điều trị HSTC mà phải ngay từ ban đầu tức là cả 3 tầng điều trị phải chuẩn và điều phối nhịp nhàng hợp lý và kịp thời", PGS Nhung cho hay.
Không chỉ có những thuận lợi nói trên, khi "đổ quân" về đây, BV Phổi Trung ương đã và đang phải "nếm trải" những khó khăn mà chủ yếu là khó khăn chung, theo GĐ Nhung, cùng phải vượt qua, đại dịch lớn quá, chưa có tiền lệ. "Nhưng tư tưởng chỉ đạo đã thông suốt thì khó khăn đến mấy chúng tôi cũng đã và sẽ vượt qua vì chúng tôi mong muốn góp sức nhỏ bé của mình vào lúc nhân dân Đồng Nai cần nhất để sớm trở lại tình trạng bình thường mới", Giám đốc Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
Theo ông Nhung, muốn giảm tử vong thì điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là rất quan trọng, làm sao để người bệnh không chuyển nặng thì các can thiệp điều trị phải chuẩn và càng sớm càng tốt, không chỉ đợi đến nặng mới điều trị. "Chúng tôi đã ban hành sổ tay điều trị COVID-19 trước ICU, tức là trước khi phải vào HSTC, chỉ làm mức độ nhẹ, mức độ trung bình và mức nặng nhưng chưa cần thở máy. Mỗi người bệnh đều cần 4 cấu phần điều trị phù hợp đó là tư vấn tâm lý, tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, dinh dưỡng hợp lý và dùng thuốc. Trong đó 3 cấu phần không dùng thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng với những trường hợp mới mắc và bệnh nhẹ để có nhiều sức đề kháng miễn dịch không chuyển nặng thì sẽ giảm tỷ lệ phải vào ICU".
Trung tâm bắt đầu bằng 50 giường với 12 máy thở và đặt ra các chỉ tiêu theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 1 hoàn chỉnh 50 giường HSTC đạt chuẩn ngay lập tức. Vì vậy, sau khi có quyết định phân công Bệnh viện phổi Trung ương và Bệnh viện K Trung ương đã huy động máy thở, máy theo dõi, bơm tiêm điện và các thiết bị đi kèm, máy X-quang tại giường kỹ thuật số, máy xét nghiệm Xpert Express và điều động nhân lực tinh nhuệ vào triển khai từ 2/8/2021.
Giai đoạn 2 là giai đoạn mở rộng thêm 2 tầng và hệ thống khí, oxy bồn. Lúc này chúng tôi đủ thời gian để huy động nhân lực và mua sắm trang thiết bị thuốc men, đặc biệt hệ thống oxy công xuất cao 32 khối đến nay Trung tâm đã có đủ 220 giường ICU với các trang thiết bị hiện đại tầm quốc gia. Vì vậy mà các kỹ thuật cao đã được thực hiện. Có một trường hợp đầu tiên được chạy ECMO, lọc máu và thở máy ngày thứ 19, và hôm nay đã cai được ECMO là một tin tốt lành. Thêm vào đó có một trường hợp đang được lọc máu, ECMO và thở máy ngày thứ 8 cũng đang có những dấu hiệu tiến triển tốt. Chính vì vậy mà tỷ lệ tử vong đã giảm dần và hy vọng chúng ta có khống chế được dịch.
"Với cách làm việc lồng ghép như vậy, Trung tâm đã tạo ra được những nhóm làm việc rất nhịp nhàng và tôi tin rằng đến khi hết dịch thì các kỹ thuật cao sẽ ở lại và tiếp tục phát triển phục vụ nhân dân địa phương", Giám đốc Nhung chia sẻ.
Anh Văn - Ngọc KhaTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.