BVĐK Trung ương Cần Thơ cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sau chấn thương

Địa phương
06:19 PM 17/02/2024

Ngày 16/2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp đã can thiệp cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sau chấn thương.

Theo đó, bệnh nhân T.P.T., 21 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ bị tai nạn giao thông với nhiều vết thương đầu mặt và đau ngực được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 9h ngày 8/2 (29 Tết). Bệnh nhân được hội chẩn nhiều chuyên khoa và chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu, kết quả ghi nhận tắc từ lỗ động mạch vành liên thất trước (động mạch vành trái), tổn thương dạng bóc tách. 

BVĐK Trung ương Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sau chấn thương- Ảnh 1.
BVĐK Trung ương Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sau chấn thương- Ảnh 2.

Bóc tách mạch vành sau chấn thương và sau can thiệp.

Bệnh nhân được can thiệp thành công sang thương bằng một stent phủ thuốc với thời gian 35 phút. Chụp kiểm tra dòng chảy tốt, được chuyển khoa Tim mạch can thiệp chăm sóc và điều trị. Hiện bệnh nhân tỉnh, không đau ngực, tình trạng sức khỏe ổn định, đã xuất viện vào ngày 14/2.

Theo BSCKII Trần Văn Triệu, Phó khoa Phụ trách khoa Tim mạch can thiệp cho biết, thông thường xơ vữa mạch vành là nguyên nhân phổ biến gây nhồi máu cơ tim cấp, tuy nhiên 20% nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ thứ phát không phải nguyên nhân do xơ vữa. Bao gồm thuyên tắc mạch vành, tình trạng tăng đông, bóc tách mạch vành, dị dạng bẩm sinh động mạch vành, viêm mạch máu, xạ trị trung thất.

Việc xuất hiện nhồi máu cơ tim cấp sau khi bị chấn thương xuyên ngực là vô cùng hiếm, hiện nay chỉ ghi nhận được vài trường hợp trong y văn, chủ yếu là do bị đạn bắn.

Các bác sỹ can thiệp cho bệnh nhân.

Các bác sỹ can thiệp cho bệnh nhân.

Nhồi máu cơ tim là một bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp. Bệnh xảy ra phần lớn ở các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao, nhiều bệnh lý nền tim mạch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp, đặc biệt ở những trường hợp khởi phát nhồi máu cơ tim sau sang chấn như trường hợp vừa nêu.

Vì vậy, đối với các trường hợp chấn thương ngực, đặc biệt là chấn thương ngực đụng dập triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các phương pháp cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim.

Nhìn chung, việc chẩn đoán và điều trị vẫn phải dựa theo phác đồ của nhồi máu cơ tim cấp thông thường, với vai trò quan trọng của đo điện tim và thử men tim.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn