Ca COVID-19 tăng mạnh, Hà Nội có quá tải điều trị F0?

Sức khỏe
02:18 PM 10/12/2021

Trong 1 tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội tăng cao, có ngày lên tới gần 800 ca, đặc biệt mỗi ngày ghi nhận hơn 200 F0 cộng đồng khiến nhiều người lo ngại hệ thống y tế quá tải. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện ở Hà Nội hầu hết khẳng định không quá tải, do quy định phân tầng khá rõ ràng.

Hà Nội phân tầng điều trị, thu dung F0 nhẹ ở trạm y tế lưu động

Những ngày gần đây, số F0 ở Hà Nội tăng nhanh, khoảng từ 300 cho tới hơn 700 ca. Cao điểm ngày 6/12, toàn thành phố ghi nhận tới 774 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Hiện, Hà Nội ghi nhận 16 chùm ca bệnh phức tạp, trong đó, ổ dịch tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm được đánh giá là nóng nhất với hơn 400 ca mắc mới.

Số F0 tăng cao khiến nhiều người lo ngại hệ thống y tế quá tải. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện ở Hà Nội hầu hết khẳng định không quá tải, do quy định phân tầng khá rõ ràng.

Ca COVID-19 tăng mạnh, Hà Nội có quá tải điều trị F0? - Ảnh 1.

Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị F0 dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Khổng Minh Tuấn khẳng định: Hiện Hà Nội đang điều trị hơn 5.600 bệnh, trong khi đó đã có phương án 50.000 và 100.000 bệnh nhân.

Để giảm tải khi lượng F0 tăng nhanh, Hà Nội đã có hướng dẫn mới phân tầng điều trị các trường hợp F0. Tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.

Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. Tầng này gồm đối tượng: tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không triệu chứng cần can thiệp y tế. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.

Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.

30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tính đến chiều 7/12, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện tiếp nhận 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động. Nhận định tử Sở Y tế Hà Nội, hiện nay các trạm y tế lưu động tại nhiều quận, huyện đã bảo đảm được đầy đủ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ các bình oxy, thuốc theo danh mục… tất cả đều đáp ứng yêu cầu.

Bệnh viện chưa quá tải

Theo ông Phùng Quốc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Thanh Nhàn, hiện số F0 nhập viện trung bình 12-13 ca/ngày. Trong số người được điều trị thì bệnh nhân bệnh lý nền và cao tuổi chiếm 34-35%.

“Khoảng 1-2 tuần trước, F0 từ tuyến dưới chuyển lên chưa đúng tầng (trung bình 20-25 ca/ngày) dẫn đến hiện tượng quá tải. Bệnh viện xác định lại bệnh nhân thuộc tầng nào thì điều trị ở tầng đó. Ví dụ, bệnh nhân thuộc tầng nhẹ thì về điều trị tuyến dưới. Do đó, việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân tại bệnh viện hiện ổn định, không quá tải", ông Phùng Quốc Anh nói.

Ca COVID-19 tăng mạnh, Hà Nội có quá tải điều trị F0? - Ảnh 2.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: Internet)

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV ĐK Đức Giang, dù ca mắc tăng nhưng Hà Nội vẫn đáp ứng tốt công tác điều trị, với khoảng 6.000 bệnh nhân đang điều trị như hiện nay. Vì chỉ tính sơ khả năng tiếp nhận tại các khu điều trị Đền Lừ 2.000, khu Thượng Thanh 2.000, KTX Phenikaa 600, bên cạnh đó còn có chuẩn bị với hơn 3.000 giường tại các bệnh viện ở Hà Nội, cùng một số điểm tại Hoàng Mai, Hà Đông cũng đang khởi động...

"Hà Nội có đủ khả năng bố trí khoảng 12 nghìn giường điều trị Covid-19, trong khi hiện nay con số điều trị khoảng 6 nghìn bệnh nhân, do vậy, người dân cần bình tĩnh hợp tác cùng với chính quyền và ngành y tế. Nhất là khi Hà Nội đang triển khai việc cách ly, điều trị tại nhà với bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng", ông Thường nhấn mạnh.

Theo ông Thường, khi F0 tăng thì số ca nhập viện tăng là tất nhiên. Nhưng không thể so sánh với trước khi tất cả F0 đều điều trị tại bệnh viện. Hà Nội đã phân tầng rõ ràng, F0 thể nhẹ, không triệu chứng điều trị tại nhà. Vì thế, giai đoạn tới có thể bệnh nhân tăng nhưng số nhập viện sẽ giảm. Dần dần, chúng ta sẽ có tiêu chí, tiêu chuẩn nhập viện theo mức độ bệnh.

Tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội sáng 9/12, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine 2 mũi hiện nay tại Hà Nội đạt trên 95%. Do vậy, dù số ca mắc tăng cao nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 được điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD Lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.