Cà Mau: Đại hội đại biểu các DTTS huyện Thới Bình lần thứ IV, năm 2024
Ngày 28/5, huyện Thới Bình long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng ban Chỉ đạo đại hội đại biểu các DTTS tỉnh dự và chỉ đạo đại hội.
Huyện Thới Bình có 11 xã và 01 thị trấn, với 95 ấp, khóm (trong đó, có 7 ấp đặc biệt khó khăn, thuộc 06 xã); Thới Bình có diện tích tự nhiên 63.639 ha và Dân số có 36.225 hộ, với 140.794 nhân khẩu.
Trong giai đoạn 2019-2024, các chủ trương, chính sách của Đảng luôn được quan tâm thực hiện, chăm lo đời sống, việc làm, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các DTTS. Nhiều chương trình dự án được đầu tư triển khai ở vùng đồng bào DTTS, từ đó đã làm thay đổi rõ rệt về đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đời sống người dân được cải thiện nâng lên về vật chất và tinh thần. Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, an tâm lao động sản xuất góp phần phát triển quê hương đất nước vùng DTTS.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ DTTS được quan tâm kịp thời, đúng quy định. Trong 5 năm qua, tổ chức dạy nghề cho 10.010 lao động, trong đó có 300 lao động là người DTTS.
Giai đoạn 2019-2024, đã vận động được hơn 20 tỷ đồng quỹ vì người nghèo, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 50 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo (có 15 hộ là hộ DTTS). Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện đã thực hiện hỗ trợ 42 căn nhà cho hộ nghèo tại 7 ấp đặc biệt khó khăn, trong đó có 12 hộ DTTS được nhận hỗ trợ.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình thương, 2 nhà đại đoàn kết và vận động trên 500 phần quà tặng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tâm thần, người tàn tật là người DTTS và hỗ trợ khoan 10 giếng ngầm... với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng.
Cạnh đó, MTTQ, các ngành đoàn thể bằng nhiều việc làm thiết thực như: hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, xây cất nhà, cấp học bổng, quà, tiền mặt hơn 20 tỷ đồng. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm, đến cuối năm 2023, huyện Thới Bình có 678 hộ nghèo (chiếm 1,90%); và còn 755 hộ cận nghèo (chiếm 2,12%).
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc tiếp tục được quan tâm; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở, bố trí đủ biên chế y, bác sĩ cho các trạm y tế xã, thị trấn.
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, đời sống của đồng bào DTTS ổn định, mức sống liên tục nâng lên, xuất hiện nhiều nhân tố, điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đánh giá, trong những năm gần đây, công tác dân tộc của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào thành tựu chung của huyện.
Nổi bật như, góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân hàng năm trên 7%; cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng; công tác dân tộc trong nhiệm kỳ đã hoàn thành 9/9 chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra (trong đó, chỉ tiêu giảm nghèo trong đồng bào DTTS bình quân hàng năm đạt trên 3%)…
Kết quả đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng khối đoàn kết gắn bó, sự đồng thuận, quyết tâm cao và là niềm tin của đồng bào các DTTS vào sự đổi mới đi lên của quê hương, đất nước.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị, huyện tiếp tục quan tâm và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS. Giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, những yêu cầu chính đáng về tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, lễ hội của đồng bào các dân tộc đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, coi trọng việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, nêu gương "Người tốt việc tốt", điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc; nhằm tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đồng bào các dân tộc để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững QPAN của địa phương.
Bên cạnh đó, chủ động tận dụng hiệu quả nguồn lực và các nội dung chính sách hỗ trợ thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025" cho mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của huyện; tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; khuyến khích, động viên, phát huy bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc.
Đồng thời, tích cực, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc bôi nhọ Đảng, bôi nhọ chế độ; những âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phân biệt đối xử và kỳ thị dân tộc.
Cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực DTTS, tăng cường lãnh đạo, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ DTTS và phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc. Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, các xã trong huyện có đông đồng bào dân tộc sinh sống; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Song song xây dựng tình đoàn kết, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau giữa đồng bào các dân tộc ngày càng vững chắc. Đồng bào các dân tộc cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết; nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, tiết kiệm tích lũy để làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình mình và cho xã hội.
Văn Dương - Hồng ÂnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.