Cà Mau định vị lại thương hiệu, đưa du lịch bứt phá sau sáp nhập

Địa phương
11:46 AM 24/07/2025

Ngành du lịch tỉnh Cà Mau đang chủ động xây dựng chiến lược tái định vị thương hiệu du lịch sau khi sáp nhập tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thành tỉnh Cà Mau mới. Việc sắp xếp địa giới hành chính không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện để ngành du lịch định vị lại thương hiệu, tích hợp tài nguyên và phát triển sản phẩm đa dạng, bền vững đưa du lịch tỉnh Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn trong kỷ nguyên mới.

Cà Mau định vị lại thương hiệu, đưa du lịch bứt phá sau sáp nhập- Ảnh 1.

Cà Mau định vị lại thương hiệu, đưa du lịch bứt phá sau sáp nhập

Ngày 12/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có việc hợp nhất Cà Mau và Bạc Liêu thành tỉnh Cà Mau mới. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ là bước đi chiến lược trong công cuộc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn mở ra những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Khi "chung một nhà", tỉnh mới sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ để kết nối tour, tuyến, xây dựng sản phẩm liên vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, hoạt động du lịch tại tỉnh Cà Mau (sau hợp nhất) tiếp tục duy trì đà phục hồi và phát triển ổn định gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hoá - lịch sử, tín ngưỡng và ẩm thực đặc trưng của vùng ĐBSCL. 

Trong 6 tháng đầu năm, khách du lịch đến Cà Mau đạt 5.120.000 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ 2024 (4.339.354 lượt). Doanh thu du lịch đạt 4.890 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2024 (4.204,3 tỷ đồng).

Cà Mau định vị lại thương hiệu, đưa du lịch bứt phá sau sáp nhập- Ảnh 2.

Trải nghiệm cất vó bắt cá bên trong điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn, ấp Mũi, xã Đất Mũi

Một số sản phẩm du lịch đặc thù tiếp tục được đầu tư nâng cấp như: Du lịch cộng đồng gắn với khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau, tuyến du lịch về nguồn - tham quan các công trình văn hoá, nhà Công tử Bạc Liêu. Đồng thời, các khu, điểm du lịch trọng điểm như Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Khu Du lịch Khai Long, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng... tiếp tục thu hút du khách.

Bên cạnh đó, một số mô hình du lịch sinh thái mới như: Khu sinh thái ẩm thực Cánh đồng Cậu Ba, Cà phê trang trại Cừu, Vườn dưa lưới Yến Nhi bước đầu thu hút khách du lịch, tạo điểm nhấn riêng cho du lịch tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá được đẩy mạnh, nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa - du lịch truyền thống gắn với quảng bá sản phẩm OCOP, văn hóa ẩm thực địa phương được tổ chức đúng kế hoạch, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau sau hợp nhất.

Cà Mau định vị lại thương hiệu, đưa du lịch bứt phá sau sáp nhập- Ảnh 3.

Đoàn tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa của hộ ông Trương Thanh Hùng, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cũ, tỉnh Cà Mau

Mặc dù có tiềm năng lớn, ngành du lịch Cà Mau vẫn đối mặt với không ít thách thức. Tình trạng trùng lặp sản phẩm du lịch với các địa phương trong vùng ĐBSCL và ngay trong tỉnh Cà Mau là một vấn đề đáng lưu ý. Vị trí địa lý xa, cùng hạ tầng giao thông tới một số điểm du lịch trọng điểm còn hạn chế, chưa đồng bộ, đặc biệt là đường thủy nội địa, bến bãi phục vụ tàu, thuyền cũng là rào cản. 

Ngoài ra, nhiều điểm du lịch hiện tại của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư trọng điểm; thiếu các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, tổ hợp giải trí quy mô lớn, và các trung tâm mua sắm, ẩm thực đêm sôi động. Nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ quản lý, cũng còn hạn chế về chất lượng.

Định vị thương hiệu không chỉ giúp Cà Mau tạo được điểm nhấn trong bản đồ du lịch quốc gia, khu vực và quốc tế mà còn góp phần đem lại cho du khách những giá trị mới, giàu tính nhân văn, nhân bản để trân quý hơn cuộc sống và tự hào hơn về vẻ đẹp bất tận của quê hương mình.

Cà Mau định vị lại thương hiệu, đưa du lịch bứt phá sau sáp nhập- Ảnh 4.

Khách tham quan rừng ngập mặn mũi Cà Mau

Bản đồ hành chính thay đổi và thương hiệu du lịch cũng cần chuyển mình để xứng đáng với kỳ vọng mới. Với khát vọng trở thành một trung tâm du lịch điện gió, sinh thái, văn hoá - lịch sử, tín ngưỡng và ẩm thực đặc trưng của vùng ĐBSCL, ngành Du lịch tỉnh "Cà Mau mới" đang đi những bước đầu tiên, vững chắc và đầy cảm hứng trên hành trình khẳng định bản sắc trong dòng chảy phát triển du lịch Việt Nam. Việc tái định vị thương hiệu không chỉ là bước đi tất yếu sau sáp nhập, mà là lựa chọn chủ động để vươn lên.

Để giải quyết những vấn đề này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau đã đề ra những giải pháp trọng tâm, cụ thể, sớm đưa ngành du lịch Cà Mau "cất cánh". Trong thời gian tới, Cà Mau sẽ tập trung vào xây dựng các đề án, dự án phát triển du lịch làm cơ sở thu hút đầu tư, đồng thời xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch đặc trưng. Đặc biệt, Cà Mau sẽ chú trọng thu hút đầu tư có trọng điểm vào các khu du lịch chiến lược như khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, và khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Sông Đốc - Hòn Đá Bạc - Nhà Mát.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong truyền thông, quảng bá và cải thiện chất lượng dịch vụ tại các điểm đến. Đồng thời, tổ chức các đoàn famtrip, presstrip mời các hãng lữ hành, báo chí đến khảo sát, giới thiệu, quảng bá du lịch... qua đó, thu hút du khách đến Cà Mau.

Văn Dương
Ý kiến của bạn